Khái quát chung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Mục lục
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên thực tế mà còn là việc xử lý, giải quyết dứt điểm khi có hành vi xâm phạm xảy ra và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Để hiểu rõ hơn cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Văn phòng đăng ký bản quyền.
Quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là gì?
Quyền sở hữu trí tuệ chính là quyền của tổ chức, cá nhân đối với chính tài sản trí tuệ, bao gồm các quyền sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ và tinh thần. Ví dụ như tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật; giống cây trồng; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh…
Điều kiện để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Điều kiện để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như sau:
- Quyền tác giả: Được bảo hộ khi tác phẩm có tính nguyên gốc và được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định;
- Quyền liên quan: Được bảo hộ khi không gây phương hại đến quyền tác giả;
- Quyền sở hữu công nghiệp: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (được bảo hộ dựa trên văn bằng bảo hộ); nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại (bảo hộ trên cơ sở sử dụng); bí mật kinh doanh (bảo hộ trên cơ sở sử dụng và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh); chống cạnh tranh không lành mạnh (bảo hộ trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh);
- Quyền đối với giống cây trồng: Được bảo hộ dựa trên văn bằng bảo hộ.
Các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?
Bạn có thể áp dụng các cách sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khỏi các hành vi vi phạm:
Cách 1: Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ tự áp dụng các biện pháp xử lý
Khi phát hiện ra hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của bản thân thì bạn có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
- Áp dụng phương pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm;
- Yêu cầu chủ thể có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm;
- Nộp đơn khởi kiện ra Tòa án hoặc trọng tài có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Cách 2: Nhờ cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bản thân thì bạn có quyền nhờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp thích hợp để xử lý hành vi vi phạm. Cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Xử lý dân sự
Khi có yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự của chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra. Khi đó, Toà án áp dụng những biện pháp sau đây:
- Phái chấm dứt ngay hành vi vi phạm;
- Xin lỗi, cải chính công khai;
- Thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Bồi thường thiệt hại;
- Buộc phải tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh.
Trường hợp 2: Xử lý hành chính
Khi có yêu cầu xử lý hành chính từ chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc chủ thể phát hiện ra hành vi xâm phạm. Những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể là:
- Gây ra những thiệt hại cho tác giả hoặc chủ sở hữu hoặc người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
- Vận chuyển, sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện;
- Vận chuyển, sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, buôn bán tem, nhãn hoặc sản phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện.
Trường hợp 3: Xử lý hình sự
Khi hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về hành vi vi phạm
Thực hiện một trong những hành vi xâm phạm sau đây với lỗi cố ý:
- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
- Phân phối bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình đến công chúng;
- Xâm phạm nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.
Thứ hai, về hậu quả
Đối với bản quyền, quyền liên quan:
- Xâm phạm quy mô thương mại;
- Thu lợi bất chính với số tiền từ 50.000.000 đồng – dưới 300.000.000 đồng;
- Gây ra những thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng;
- Hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng.
Đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu:
- Xâm phạm quy mô thương mại;
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng – dưới 300.000.000 đồng;
- Chủ sở hữu bị thiệt hại từ 200.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng;
- Hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng.
Thứ ba, mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và hậu quả vi phạm
Hành vi xâm vi bản quyền, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả cho tác giả, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.