Tìm hiểu nội dung Luật hôn nhân và gia đình
Mục lục
Luật hôn nhân và gia đình quy định chế độ một vợ một chồng; chuẩn mực trong cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng cũng như củng cố chế độ hôn nhân và gia đình. Những nội dung chính được thể hiện trong Luật hôn nhân và gia đình sẽ được giới thiệu chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Đối tượng điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình
Đối tượng điều chỉnh là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, cụ thể là các quan hệ về nhân thân và tài sản phát sinh giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa những người thân khác. Đối tượng điều chỉnh có các đặc điểm sau:
- Quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân gia đình gắn liền với nhân thân của mỗi chủ thể và không thể chuyển giao cho người khác được;
- Quyền và nghĩa vụ tài sản trong quan hệ hôn nhân không mang tính chất đền bù, ngang giá.
2. Phương pháp điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình
Là các biện pháp tác động của quy phạm pháp luật tới các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh và phù hợp với ý chí của Nhà nước. Phương pháp điều chỉnh có các đặc điểm sau:
- Các chủ thể tham gia quan hệ vừa có quyền, vừa phải thực hiện nghĩa vụ;
- Các chủ thể khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình phải xuất phát từ lợi ích chung của gia đình;
- Các quy phạm pháp luật gắn bó mật thiết với các quy tắc đạo đức, phong tục tập quán và lẽ sống trong xã hội.
3. Luật hôn nhân và gia đình quy định những nội dung gì?
Những mục chính được thể hiện trong Luật hôn nhân và gia đình gồm:
Thứ nhất, những quy định chung
Sẽ quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và những nguyên tắc chung được áp dụng xuyên suốt Luật hôn nhân và gia đình.
Thứ hai, kết hôn
Gồm những nội dung sau:
- Điều kiện kết hôn;
- Đăng ký kết hôn;
- Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật;
- Xử lý việc kết hôn trái pháp luật;
- Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật;
- Xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền;
- Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn;
- Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn;
- Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Thứ ba, quan hệ giữa vợ và chồng
Gồm những nội dung sau:
- Quyền và nghĩa vụ về nhân thân, như bình đẳng về quyền, nghĩa vụ cũng như bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội;
- Đại diện giữa vợ và chồng, như căn cứ xác lập đại diện; đại diện trong kinh doanh, trong trường hợp GCN quyền sở hữu, GCN quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng; trách nhiệm liên đới của vợ, chồng;
- Chế độ tài sản của vợ chồng, như nguyên tắc chung về chế độ tài sản; tài sản chung; chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, tài sản riêng; chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; tài sản riêng; nhập tài sản riêng vào tài sản chung; thỏa thuận xác lập chế độ tài sản,…
Thứ tư, chấm dứt hôn nhân
Gồm những nội dung sau:
- Ly hôn, như quyền yêu cầu giải quyết ly hôn; hòa giải tại tòa án; thuận tình ly hôn; ly hôn theo yêu cầu của một bên; thời điểm chấm dứt hôn nhân; quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con sau khi ly hôn; nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn,…
- Hôn nhân chấm dứt do một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, như thời điểm chấm dứt hôn nhân; giải quyết tài sản; quan hệ nhân thân, tài sản khi vợ, chồng bị tuyên bố là đã chết mà trở về.
Thứ năm, quan hệ giữa cha mẹ và con
Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con, như nghĩa vụ, quyền chăm sóc, nuôi dưỡng; đại diện cho con; bồi thường thiệt hại do con gây ra,…
Xác định cha, mẹ, con, như cách xác định cha, mẹ, con; điều kiện mang thai hộ,…
Thứ sáu, quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình
Quy định quyền, nghĩa vụ giữa các thành viên khác như ông bà nội, ông bà ngoại; anh, chị, em; cô, dì, chú, bác.
Thứ bảy, cấp dưỡng
Quy định nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng và thời điểm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thứ tám, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
Quy định các vấn đề có yếu tố nước ngoài như nguyên tắc áp dụng pháp luật; thẩm quyền giải quyết các vụ việc; kết hôn; ly hôn; xác định cha, mẹ, con; nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thứ chín, điều khoản thi hành
Quy định các điều khoản chuyển tiếp cũng như thời điểm có hiệu lực của Luật hôn nhân và gia đình.