Tìm hiểu điều kiện bảo hộ và thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Mục lục
Khi tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì sẽ có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Khi có nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
1. Điều kiện bảo hộ sở hữu trí tuệ kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp sẽ được bảo hộ sở hữu trí tuệ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có tính mới: Khi kiểu dáng công nghiệp đó có sự khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp khác đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức khác ở trong nước hoặc nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên;
- Có tính sáng tạo: Khi căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức khác ở trong nước hoặc nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với những người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp: Khi có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc phương pháp thủ công nghiệp.
Khi có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho kiểu dáng công nghiệp khi trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện cấp văn bằng bảo hộ.
Và khi có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau, cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận; nếu không thoả thuận được thì tất cả các đơn đăng ký đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
2. Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Thành phần hồ sơ đăng ký bảo hộ gồm những giấy tờ sau đây:
- Tờ khai đăng ký;
- Giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền cho chủ thể khác thực hiện thủ tục đăng ký;
- Bản sao nộp chi phí đăng ký;
- Bản mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp;
- Bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp;
- Giấy tờ chứng minh quyền đăng ký bảo hộ; quyền ưu tiên (nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
3. Thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Các bước đăng ký kiểu dáng công nghiệp được diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Bạn cần chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ như trên để nộp cho cơ quan có thẩm xét duyệt hồ sơ.
Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ như trên, các bạn có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 3: Thẩm định hình thức
Cán bộ tiếp nhận sẽ thẩm định hình thức. Nếu giấy tờ đầy đủ và hợp lệ thì ra thông báo chấp nhận đơn đăng ký và cho đăng công bố đơn. Ngược lại, nếu kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị sửa đổi, bổ sung.
Bước 4: Công bố đơn đăng ký
Đơn đề nghị đăng ký bảo hộ được chấp nhận hợp lệ thì sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 5: Thẩm định nội dung
Kiểm tra kiểu dáng công nghiệp có đáp ứng đầy đủ điều kiện để được bảo hộ sở hữu công nghiệp không.
Bước 6: Nhận kết quả đăng ký
Sau khi kiểm tra, nếu thấy đủ điều kiện bảo hộ thì chủ sở hữu sẽ được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Ngược lại, nếu không đáp ứng yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo từ chối.