Tìm hiểu chi tiết ly hôn là gì?
Mục lục
Khi cuộc sống vợ, chồng rơi vào tình trạng bế tắc, không thể cứu vãn được, vợ, chồng mới tìm đến ly hôn để chấm dứt quan hệ hôn nhân của mình. Vậy ly hôn là gì? Hồ sơ ly hôn gồm những giấy tờ gì? Quy trình ly hôn được diễn ra như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài biết dưới đây để được giải đáp những vấn đề trên.
Thuật ngữ ly hôn là gì?
Ly hôn là gì? Ly hôn là thủ tục pháp lý nhằm chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Hiện nay, có hai loại hình ly hôn, gồm ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương, trong đó:
- Ly hôn thuận tình: Hai vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận chia tài sản; người nuôi dạy con cái và nghĩa vụ cấp dưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của người vợ và người con thì Tòa án công nhận ly hôn thuận tình. Nếu hai vợ chồng không thể thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn;
- Ly hôn đơn phương: Vợ hoặc chồng nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Tòa án. Khi hai vợ chồng hòa giải không thành công thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khiến cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích cuộc hôn nhân không đạt được.
Quy trình các bước thuận tình ly hôn là gì?
Quy trình các bước thuận tình ly hôn được diễn ra như sau:
Bước 1: Soạn và nộp hồ sơ
Khi muốn yêu cầu Tòa án nhân dân công nhận thuận tình ly hôn, cần soạn thảo đơn yêu cầu ly hôn và chuẩn bị những giấy tờ sau đây để nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vợ hoặc chồng cư trú hoặc làm việc:
- Đơn yêu cầu ly hôn;
- CMND/CCC/Hộ chiếu, Hộ khẩu;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- Giấy khai sinh của con cái.
Bước 2: Xét đơn ly hôn
Tòa án nhân dân sẽ xem xét đơn ly hôn thuận tình để xác định thẩm quyền giải quyết. Nếu thuộc thẩm quyền giải quyết, Tòa án nhân dân sẽ ra thông báo nộp lệ phí tạm ứng. Sau khi đã nộp tạm ứng lệ phí thì Tòa án nhân dân sẽ mở phiên họp công khai để giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn của hai vợ chồng.
Bước 3: Ra quyết định
Sau khi tiến hành hòa giải giữa hai vợ chồng không thành công thì Tòa án nhân dân ra quyết định công nhận ly hôn thuận tình. Ngược lại, nếu hai vợ chồng hòa giải thành thì Tòa án nhân dân sẽ đình chỉ giải quyết việc dân sự.
Quy trình các bước đơn phương ly hôn là gì?
Quy trình các bước đơn phương ly hôn được diễn ra như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ ly hôn
Cần chuẩn bị những giấy tờ dưới đây để nộp cho TAND cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc:
- Đơn ly hôn;
- Căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu, sổ hộ khẩu;
- Giấy đăng ký kết hôn;
- Giấy khai sinh của con cái;
- Giấy tờ chứng minh tài sản chung của hai vợ chồng, như sổ hồng, sổ đỏ; giấy đăng ký xe, sổ tiết kiệm,…
Bước 2: Hòa giải
Sau khi nhận được đơn yêu cầu ly hôn đơn phương, Tòa án nhân dân sẽ xem xét có nhận và thụ lý vụ án ly hôn không? Nếu xét thấy thuộc thẩm quyền giải quyết thì Tòa án nhân dân sẽ yêu cầu người nộp đơn nộp án phí tạm ứng. Sau khi nhận được án phí tạm ứng, Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu và tiến hành hòa giải.
Nếu hai vợ chồng hòa giải thành công thì Tòa án nhân dân ra quyết định công nhận hòa giải thành. Ngược lại, nếu hai vợ chồng không hòa giải thành công thì Tòa án nhân dân đưa vụ án ra xét xử.
Bước 3: Mở phiên tòa sơ thẩm.
Sau khi Tòa án nhân dân ra quyết định đưa vụ án ly hôn ra xét xử sẽ gửi giấy triệu tập và thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm có các đương sự.