Thủ tục bảo hộ bản quyền phải thực hiện ở đâu?
Mục lục
Hoạt động bảo hộ bản quyền bao gồm các quy định, trình tự thủ tục pháp lý được pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể nhằm giúp chủ sở hữu bản quyền bảo hộ được loại tài sản sở hữu trí tuệ đặc biệt của mình. Để đảm bảo quá trình đăng ký, thực hiện quyền tác giả diễn ra chính xác, hiệu quả; bạn cần lưu ý thực hiện các thủ tục này tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan chịu trách nhiệm đăng ký bảo hộ bản quyền
Về hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật quy định rõ cho các Bộ, ban ngành liên quan thống nhất phối hợp thực hiện. Hoạt động xem xét, cấp giấy chứng nhận bảo hộ bản quyền, quyền tác thuộc về Cục Bản quyền và hai văn phòng đại diện của Cục Bản quyền. Thông tin các địa điểm này như sau:
- Trụ sở chính của Cục Bản quyền: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 024.38 234 304 ; Fax: 024.38 432 630; Email: cbqtg@hn.vnn.vn
- Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh: 170 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3. Điện thoại: 028. 39 308 086; Fax: 028. 39 308 087; Email: covhcm@vnn.vn
- Văn phòng đại diện tại Thành phố Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu. Điện thoại: 023.63 606 967; Email: covdanang@vnn.vn.
Có thể bảo hộ bản quyền bằng những biện pháp nào?
Bản quyền là loại tài sản dân sự thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngoài các biện pháp bảo hộ loại tài sản này bằng biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, biện pháp hình sự; pháp luật còn cho phép chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện các biện pháp tự bảo vệ bản quyền của mình. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có quy định:
1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Pháp luật bảo hộ bản quyền trong thời gian bao lâu?
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, hai loại quyền này sẽ có thời gian bảo hộ khác nhau. Quyền nhân thân là các quyền gắn liền với tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và được bảo hộ vô thời hạn. Những quyền này không thể chuyển nhượng được, bao gồm: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Riêng quyền Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản (quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành) sẽ có thời hạn bảo hộ tùy thuộc vào loại hình tác phẩm cụ thể.