Xin phép trước khi làm tác phẩm phái sinh?
Trong Luật Sở hữu trí tuệ, khái niệm tác phẩm phái sinh được hiểu là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn (Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Quyền “làm tác phẩm phái sinh” là một trong những quyền tài sản nằm trong quyền tác giả được quy định và bảo hộ tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ quy định rằng, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này (trong đó có quyền làm tác phẩm phái sinh) phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Khi nói về Hành vi xâm phạm quyền tác giả, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ cũng liệt kê hành vi “làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh” là một trong những hành vi vi phạm.
Tuy vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ cũng quy định một hành vi ngoại lệ mang tính nhân văn khi quy định việc chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị có thể được thực hiện mà không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả. Điều này được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, quyền làm tác phẩm phải sinh được bảo hộ có thời hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ, nên khi hết thời hạn bảo hộ, các cá nhân, tổ chức đáp ứng các quy định theo luật định cũng sẽ có quyền này.
Như vậy, trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị có thể được thực hiện mà không phải xin phép thì mọi trường hợp còn lại của việc làm tác phẩm phái sinh đều phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.