Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có được bảo vệ quyền tác giả?
Mục lục
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không chỉ mang ý nghĩ đặc biệt về mặt nghệ thuật mà còn là tác phẩm tạo ra giá trị thương mại cực kỳ to lớn. Hoạt động bảo hộ tác phẩm mỹ thuật được tiến hành theo quy trình bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành. Nhằm cung cấp cho bạn đọc góc nhìn pháp lý chi tiết hơn trong vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm, Phan Law Vietnam xin chia sẻ các thông tin pháp lý liên quan ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Thế nào là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng?
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng để được xem xét là đối tượng bảo hộ quyền tác giả trước hết cần phải đáp ứng được hình thức thể hiện phù hợp. Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là: “tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.”.
Đăng ký bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng
Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thực hiện tại Cục Bản quyền Việt Nam. Bạn có thể tiến hành thủ tục này với nhiều cách khác nhau.
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả
Bạn cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu được quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.”
Các cách nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả
Sau khi chuẩn bị đầy đủ những tài liệu, hồ sơ cần thiết; bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền tác phẩm mỹ thuật ứng dụng của mình đến một trong ba địa chỉ dưới đây:
- Trụ sở chính Cục Bản quyền: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội
- Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền khu vực miền Nam: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh
- Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền khu vực miền Trung – Tây Nguyên: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Ngoài trực tiếp nộp hồ sơ tại ba địa chỉ trên, bạn cũng có thể gửi hồ sơ của mình thông qua đường bưu điện. Trường hợp ở xa các điểm tiếp nhận đơn hợp lệ, bạn hãy đăng ký bản quyền trực tuyến thông qua cổng dịch vụ công hoặc kết hợp với đại diện sở hữu trí tuệ Phan Law Vietnam để hoàn tất thủ tục đăng ký nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng
Quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thời gian bảo hộ tùy thuộc vào loại quyền cụ thể mà bạn sở hữu. Trường hợp bạn là tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, bạn sẽ được hưởng những quyền nhân thân không thể chuyển giao và được bảo hộ vô thời hạn bao gồm:
- Đặt tên cho tác phẩm.
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Những quyền tài sản khác được quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và quyền “Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm” sẽ được bảo hộ bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.