Quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng
Trong cuộc sống ngày nay, ngoài nhu cầu về vật chất là điều tất yếu thì nhu cầu về tinh thần ngày càng được đề cao. Một trong số những tác phẩm nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần cho mọi người đó chính là các tác phẩm mĩ thuật ứng dụng. Tuy nhiên, không phải chỉ mọi tác phẩm mĩ thuật đều là tác phẩm mĩ thuật ứng dụng vì nó phải đáp ứng những điều kiện nhất định.
Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam có quy định tác phẩm mĩ thuật ứng dụng là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, luật lại không hề quy định về khái niệm thế nào gọi là tác phẩm mĩ thuật ứng dụng. Để giải quyết vẫn đề này, Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2011/NĐ-CP) đã đưa ra khái niệm về tác mĩ thuật ứng dụng như sau: “Tác phẩm mĩ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy như: biểu trưng; hàng thủ công mĩ nghệ; hình thức thể hiện trên sản phẩm, bao bì sản phẩm”.
Như vậy, từ định nghĩa ta có thể thấy những đặc điểm cụ thể của một tác phẩm mĩ thuật ứng dụng bào gồm:
Thứ nhất, đó là tác phẩm phải được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục. Đã là nghệ thuật thì tác phẩm phải được thể hiện bởi những hình thức nhất định. Đó co thể là một bức tranh với sự kết hợp rất cầu kỳ bởi đường nét và màu sắc hoặc đơn giản chỉ là những đường nét đơn giản cho ra những hình hài nhất định. Tuy nhiên, tất cả đều phải đảm bảo được tính thẩm mĩ.
Thứ hai, có tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy. Đó có thể là những bức tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su,khắc thạch cao, điêu khắc tượng hoặc các chất liệu khác.
Khi các tác phẩm đáp ứng đủ điều kiện là một tác phẩm mĩ thuật ứng dụng thì tác giả, chủ sở hữu có quyền đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm mĩ thuật ứng dụng đó. Từ việc đăng ký này thì tác giả, chủ sở hữu sẽ phát sinh quyền tác giả. Quyền tác giả đối với tác phẩm mĩ thuật ứng dụng bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Quyền nhân thân thuộc quyền tác giả bao gồm: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.
Quyền tài sản thuộc quyền tác giả bao gồm: Sao chép tác phẩm; làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; phân phối, nhập khẩu bản gốc và bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng.
Thực tế cho thấy các tác phẩm mĩ thuật ứng dụng khá phong phú và đa dạng, xuất hiện khá nhiều trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm mĩ thuật ứng dụng rất cần hiểu hết ý nghĩa của việc đăng ký bảo hộ tác phẩm để có cơ chế rõ ràng bảo vệ nguyên vẹn giá trị tác phẩm mà mình sáng tạo ra.