Tác phẩm điện ảnh và phương thức bảo hộ quyền tác giả
Mục lục
Tác phẩm điện ảnh là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Đây là loại hình tác phẩm nghệ thuật giải trí có giá trị cao và luôn phải đầu tư công phu từ nhiều khâu khác nhau. Loại hình nghệ thuật này đặc biệt ở điểm cần được nhiều tác giả, chủ sở hữu phối hợp với nhau để hoàn chỉnh tác phẩm, điều này cũng dẫn đến vấn đề khó khăn trong việc xác định quyền tác giả thuộc về ai và được phân chia quyền lợi như thế nào.
Tác phẩm điện ảnh theo quy định của pháp luật
Trước hết, theo định nghĩa tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL:
“Tác phẩm điện ảnh là sản phẩm nghệ thuật được biểu hiện bằng hình ảnh động kết hợp với âm thanh và các phương tiện khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh, bao gồm:
– Phim là tác phẩm điện ảnh bao gồm phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại phim khác;
– Phim nhựa là phim được sản xuất bằng phương tiện kỹ thuật điện ảnh, được ghi trên vật liệu phim nhựa để chiếu trên màn ảnh thông qua máy chiếu phim;
– Phim video là phim sản xuất bằng phương tiện kỹ thuật video, được ghi trên băng từ, đĩa từ và các vật liệu ghi hình khác để phát thông qua thiết bị video;
– Phim kỹ thuật số là phim được sản xuất bằng công nghệ kỹ thuật số được ghi lại dưới dạng các tập dữ liệu tin học lưu trong đĩa số, ổ cứng, băng từ và các vật liệu lưu trữ thông tin số khác để phát thông qua thiết bị kỹ thuật số;
– Phim truyền hình là phim video, phim kỹ thuật số để phát trên sóng truyền hình;
– Băng phim, đĩa phim là sản phẩm của phim video, phim kỹ thuật số hoặc được in sang từ phim nhựa.”
Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định đây là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Cơ chế bảo hộ quyền tác giả phát sinh tự động khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Phân biệt quyền tác giả đối với các tác giả sáng tạo tác phẩm điện ảnh
Pháp luật đã dự tính và quy định chi tiết về các quyền tác giả đối với một tác phẩm điện ảnh. Theo quy định tại Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với tác phẩm này phân chia như sau:
“1. Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận.
…
- Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này.
- Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận với những người quy định tại khoản 1 Điều này.”
Quyền nhân thân của quyền tác giả
Quyền nhân thân bao gồm các quyền như: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản của quyền tác giả
Theo liệt kê tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả thường đi đôi với chủ sở hữu và bao gồm những quyền như: Làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.