Quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả
Mục lục
Bảo hộ quyền tác giả là việc Nhà nước ban hành các quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác lập, công nhận và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do họ sáng tạo, sở hữu. Các chủ thể khác nếu như có hành vi xâm phạm quyền tác giả sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
1. Thời điểm được bảo hộ quyền tác giả
Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả theo cơ chế tự động, tức là quyền nhân thân và quyền tài sản liên quan đến tác phẩm phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo ra (có đầu tư thời gian, sử dụng chất xám để cho ra tác phẩm) và được thể hiện dưới một hình thức nhất định, như: chữ nổi, chữ viết, ký hiệu tốc ký,….
Mặc dù pháp luật không bắt buộc đăng ký bảo hộ nhưng bạn vẫn nên thực hiện để bảo vệ tối ưu quyền lợi của bạn tránh những tranh chấp không đáng có trong tương lai, như: khi có tranh chấp xảy ra, Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ quyền tác giả là bằng chứng tốt nhất chứng minh quyền sở hữu của tác giả đối với tác phẩm; là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có hành vi xâm phạm và là cơ sở chứng minh thời điểm phát sinh quyền; khi phát hiện có người sử dụng trái phép tác phẩm của mình thì có thể yêu cầu người sử dụng đó ngừng sử dụng và có thể đòi bồi thường thiệt hại,…
2. Cách đăng ký bảo hộ quyền tác giả
Trình tự thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả được diễn ra như sau:
Bước 1: Xác định chính xác loại hình tác phẩm
Pháp luật sở hữu trí tuệ phân chia tác phẩm thành nhiều loại hình khác nhau. Do đó, tùy vào từng tác phẩm mà sẽ được đăng ký dưới hình thức khác nhau.
Bước 2: Hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả
Thành phần hồ sơ đăng ký quyền tác giả gồm những giấy tờ như sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả (phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; thời gian hoàn thành; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; tóm tắt nội dung tác phẩm; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai. Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ);
- 02 bản sao tác phẩm dự định đăng ký quyền tác giả;
- Giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh bản thân là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, các đồng chủ sở hữu nếu tác phẩm có đồng tác giả, quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
Bước 3: Nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện tại Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Bước 4: Theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ
Sau khi nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả, cán bộ tiếp nhận sẽ thẩm định bộ hồ sơ. Trong quá trình thẩm định, cán bộ tiếp nhận có thể yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ để được chấp nhận hợp lệ.
Bước 5: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ bản quyền
Sau khi thẩm định hồ sơ và xác nhận hồ sơ hợp lệ, đầy đủ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký để ghi nhận quyền sở hữu đối với tác phẩm.
3. Những nội dung liên quan đến dịch vụ bảo hộ quyền tác giả
Văn phòng đăng ký bản quyền cung cấp cho Khách hàng toàn bộ các dịch vụ pháp lý liên quan đến bảo hộ quyền tác giả như sau:
Thứ nhất, tư vấn pháp lý trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, bao gồm:
- Tra cứu thông tin liên quan đến đăng ký quyền tác giả;
- Tư vấn và đại diện Khách hàng thực hiện đăng ký bản quyền tác giả;
- Tư vấn pháp lý, đại diện Khách hàng tham gia đàm phán và soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng tác phẩm và các loại hợp đồng khác liên quan đến bản quyền;
- Khiếu nại các quyết định liên quan đến cấp, hủy bỏ hiệu lực của GCN bản quyền tác giả.
Thứ hai, tư vấn và đại diện pháp lý cho Khách hàng trong và ngoài nước liên quan đến thực thi quyền tác giả, bao gồm: tư vấn và phối hợp với các cơ quan thẩm quyền để giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm quyền tác giả. Tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân với tư cách là luật sư bảo vệ lợi ích cho Khách hàng.