Những lý do ly hôn trên thực tế thường gặp
Mục lục
Có rất nhiều lý do ly hôn xảy ra trong thực tế, đó có thể là do tình trạng ngoại tình, bạo lực gia đình, tài chính,… Dù là bất kỳ lý do nào, bạn cần suy nghĩ thấu đáo và cả hai vợ chồng nên cùng nhau ngồi lại để tháo gỡ những mâu thuẫn đang tồn tại. Chỉ nên ly hôn khi có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khiến cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích cuộc hôn nhân không đạt được.
Thuật ngữ ly hôn là gì?
Ly hôn nhằm chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Hiện nay, có hai loại hình ly hôn, đó là:
- Ly hôn thuận tình: Hai vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện và đã thỏa thuận chia tài sản, người nuôi dạy con, nghĩa vụ cấp dưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của người vợ và người con thì Tòa án công nhận ly hôn thuận tình;
- Ly hôn đơn phương: Vợ hoặc chồng nộp đơn ly hôn tại Tòa án. Khi hòa giải không thành công thì Tòa án giải quyết ly hôn nếu có căn cứ có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khiến cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích cuộc hôn nhân không đạt được.
Những lý do ly hôn trên thực tế thường gặp
Sau đây là những lý do ly hôn thường xảy ra trên thực tế giữa nhiều cặp vợ chồng và được các nhà tư vấn hôn nhân và tâm lý học nhận thấy:
Thứ một, thiếu sự thân mật
Thiếu cảm xúc và sự gần gũi về thể xác, thiếu những cái ôm về lâu về dài sẽ khiến hai vợ chồng mất đi sự kết nối với nhau và dần dần trở nên xa cách.
Thứ hai, không còn tình cảm
Việc thiếu tình cảm và sự thân mật là lý do khiến hai vợ chồng ly hôn. Đôi khi chỉ vì cảm giác ngày càng xa cách nhau và mất cảm xúc lãng mạn cũng đủ để chấm dứt cuộc hôn nhân.
Thứ ba, không có tiếng nói chung
Khi người vợ hoặc người chồng không thể khiến người kia hiểu được mình thì kết quả sẽ là những cuộc tranh cãi không bao giờ có hồi kết và oán giận ngày càng gia tăng. Không tìm được tiếng nói chung khiến hai người thấy tuyệt vọng, họ chỉ trích, tức giận nhiều hơn vì cảm thấy mình không được tôn trọng và không phải mối quan tâm của đối tác. Một khi sự đồng cảm, lòng trắc ẩn đã hết, rất khó để ở bên nhau.
Thứ tư, không tìm thấy sự chia sẻ
Mặc dù ở chung dưới một mái nhà nhưng người vợ hoặc người chồng không thể nói chuyện, không thể chia sẻ hay không còn muốn kể cho nửa kia nghe những câu chuyện về cuộc sống, công việc và kế hoạch như trước đây. Không còn tìm thấy điểm gì chung giữa hai người và cảm giác cô đơn sẽ dần phá vỡ cuộc hôn nhân.
Thứ năm, bạo hành
Bạo hành về mặt tinh thần hay thể xác là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới ly hôn. Đây không phải vấn đề nằm ở những xung đột trong quan hệ giữa hai vợ chồng, mà nằm ở nửa kia của người vợ hoặc người chồng.
Thứ sáu, chưa sẵn sàng khi bước vào hôn nhân
Khi lập gia đình quá sớm hoặc lập gia đình khi chưa biết rõ chính bản thân mình, chưa biết điều gì là quan trọng với mình thì bạn không thể tìm được người chồng/người vợ phù hợp.
Thứ bảy, ngoại tình
Ngoại tình là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hôn nhân đã trải qua thời gian bất ổn từ rất lâu và sự giao tiếp thân mật vốn có giữa hai người đã dừng lại trong một khoảng thời gian dài. Khi đó, người vợ hoặc chồng sẽ muốn chất dứt cuộc hôn nhân vì phát hiện ra người kia đang lừa dối mình.
Thứ tám, mệt mỏi kéo dài
Khi một bên nỗ lực làm mới mối quan hệ hôn nhân nhưng nửa kia dường lại không hề có động tĩnh gì, họ sẽ thấy mọi cố gắng chỉ đến từ một phía. Lúc này, khi có bất đồng dù là nhỏ nhặt đều gây ra cảm giác bị khinh bỉ và oán giận, cho đến khi họ quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân và bắt đầu một cuộc đời mới.
Thứ chín, tài chính
Tiền là một trong những vấn đề dễ gây căng thẳng nhất trong cuộc sống hôn nhân. Khi người vợ hoặc người chồng căng thẳng vì những khoản chi, khoản nợ hoặc họ nghĩ nửa kia của mình tiêu quá nhiều, không kiếm được như mình kỳ vọng…. Theo thời gian, sự căng thẳng về tài chính trở nên quá tải dẫn tới rạn nứt trong hôn nhân.
Hướng dẫn viết đơn ly hôn khi quyết định chấm dứt quan hệ hôn nhân?
Khi viết đơn yêu cầu ly hôn, cần trình bày theo những nội dung như sau:
Thứ nhất, tiêu đề tên đơn yêu cầu ly hôn
Tuỳ vào yêu cầu ly hôn mà ghi tiêu đề cho phù hợp, đó có thể là đơn ly hôn đơn phương hoặc đơn yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình.
Thứ hai, cơ quan tiếp nhận đơn
Cần ghi rõ tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì Tòa án cấp tỉnh/thành phố là cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết.
Thứ ba, thông tin của vợ, chồng
Ghi rõ họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD/Hộ chiếu, địa chỉ hộ khẩu thường trú và địa chỉ chỗ ở hiện tại, số điện thoại của cả hai vợ chồng. Những thông tin của vợ, chồng cần phải thật chính xác và rõ ràng để Toà án thông báo khi cần thiết trong quá trình tiếp nhận, xử lý.
Thứ tư, nội dung đơn ly hôn
Về mối quan hệ vợ chồng: Ghi rõ thời gian kết hôn, địa điểm chung sống, hiện tại có đang chung sống cùng nhau hay không. Phần này thể hiện tình trạng mối quan hệ giữa hai vợ chồng, mâu thuẫn và những nguyên nhân của mâu thuẫn.
Về con cái: Nếu có con chung thì ghi rõ số con, tên tuổi, năm sinh và giới tính của con và yêu cầu hoặc nội dung đã thỏa thuận về vấn đề ai sẽ là người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con hàng tháng. Nếu không có con chung thì ghi không có con chung và không yêu cầu Tòa giải quyết.
Về tài sản chung: Liệt kê tài sản chung của hai vợ chồng và yêu cầu hoặc nội dung đã thỏa thuận về việc phân chia tài sản.
Về nợ chung: Nếu không có nợ chung sẽ ghi vào trong đơn là “Không có”. Nếu có nợ chung thì cần thống kê đầy đủ, chi tiết số nợ chung, thời gian trả, người cho vay, tên tài sản,… Yêu cầu hoặc nội dung đã thỏa thuận về người trả nợ.