Hướng dẫn làm đơn ly hôn mới nhất
Mục lục
Rất nhiều người mong muốn tiến hành thủ tục ly hôn nhưng không biết cách làm đơn ly hôn hoặc trình bày lý do xin ly hôn trong đơn như thế nào để tòa án chấp thuận và các vấn đề liên quan khác đến quá trình ly hôn. Hiểu rõ điều này, Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ tư vấn và giải đáp cụ thể thông qua bài viết dưới đây. Mong rằng bài viết sẽ hỗ trợ được các bạn trong quá trình thực hiện.
Đơn xin ly hôn là gì?
Đơn xin ly hôn là một trong những tài liệu bắt buộc phải có khi muốn thực hiện thủ tục ly hôn tại cơ quan tòa án. Thông qua đơn ly hôn, tòa án biết được nguyện vọng của các bên (vợ và chồng) trong việc giải quyết thủ tục ly hôn. Dựa trên những nội dung được viết trong đơn, tòa án xác định được yêu cầu cụ thể của các bên trong việc giải quyết vụ việc ly hôn, như:
- Các bên có kết hôn hợp pháp hay không?
- Lý do xin ly hôn của các bên là gì?
- Các bên có thỏa thuận được việc phân chia tài sản chung, tài sản riêng hay không?
- Các bên thỏa thuận như thế nào về quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn?…
Dựa trên thông tin mà các bên cung cấp thông qua đơn ly hôn, tòa án sẽ có cơ sở, căn cứ để tiến hành các bước để giải quyết việc ly hôn theo đúng quy trình tố tụng. Nội dung được trình bày trong đơn yêu cầu ly hôn được xem như là căn cứ xác định phạm vi giải quyết vụ việc của cơ quan tòa án.
Khi làm đơn ly hôn cần viết như thế nào?
Khi bạn làm đơn ly hôn cần trình bày theo hoàn cảnh và lý do thực tế của mình. Cần có những nội dung như sau:
Có quốc ngữ, tiêu ngữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”;
- Tiêu đề yêu cầu ly hôn có thể là “Đơn ly hôn đơn phương”, “Đơn yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình”;
- Cơ quan Tòa án nhân dân có thẩm quyền xử lý: Ghi đầy đủ tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết;
- Thông tin của người vợ, người chồng: Ghi đầy đủ họ tên; ngày sinh; CMND/CCCD, địa chỉ,…
- Tình trạng hôn nhân: Trình bày thời gian kết hôn, chung sống; địa điểm chung sống; hiện tại đang ở sống chung hay đã ly thân. Trình bày tình trạng mâu thuẫn, nguyên nhân gây ra mâu thuẫn,… Ghi rõ mục đích viết đơn ly hôn để yêu cầu Tòa giải quyết;
- Tình trạng con cái: Ghi thông tin họ tên, ngày sinh,… của con chung. Trình bày yêu cầu về việc trực tiếp nuôi dạy con cái và mức cấp dưỡng;
- Tình trạng tài sản chung: Liệt kê đầy đủ và chi tiết tài sản chung của hai vợ chồng. Người nộp đơn cần ghi rõ yêu cầu trong việc phân chia tài sản;
- Tình trạng nợ chung: Nếu có nợ chung, cần ghi đầy đủ và chi tiết số nợ, chủ nợ, thời gian trả nợ… Và đề nghị phân nghĩa vụ trả nợ trong đơn.
Nộp đơn ly hôn ở đâu?
Căn cứ vào thẩm quyền của tòa án nhân dân trong việc giải quyết vụ việc ly hôn để xác định nơi nộp đơn ly hôn (kèm theo hồ sơ, giấy tờ khác), cụ thể như sau:
- Làm đơn ly hôn thuận tình: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vợ hoặc chồng cư trú hoặc làm việc;
- Làm đơn ly hôn đơn phương: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Lưu ý: Nếu hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì bạn cần phải nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh.