Hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế mới nhất
Mục lục
Đăng ký nhãn hiệu quốc tế là biện pháp quan trọng giúp công ty bảo vệ quyền lợi của mình khi đưa hàng hóa, dịch vụ ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế so với trong nước khá phức tạp. Để giúp các nắm nắm rõ quy trình, chúng tôi sẽ tư vấn chi tiết thông qua bài viết dưới đây.
1. Đăng ký nhãn hiệu quốc tế được hiểu như thế nào?
Đăng ký nhãn hiệu quốc tế là việc chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được ủy quyền nộp đơn đăng ký ngoài lãnh thổ mà chủ sở hữu mang quốc tịch. Mục đích đăng ký là để đề nghị quốc gia nào đó chấp thuận cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu để tránh sự xâm phạm nhãn hiệu của bản thân tại nước đó.
Đây là căn cứ pháp lý để công ty bảo vệ nhãn hiệu của mình, phần nào giúp công ty tránh được việc bị làm giả, làm nhái hàng hóa kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín; là cơ sở để các công ty được độc quyền trong việc sử dụng nhãn hiệu của mình trên phạm vi quốc tế. Đồng thời cũng là biện pháp quan trọng giúp công ty bảo vệ quyền lợi trong việc quảng bá, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của mình với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể lựa chọn một trong các hình thức đăng ký dưới đây:
- Nộp đơn đăng ký trực tiếp tại quốc gia dự định đăng ký bảo hộ;
- Nộp đơn đăng ký theo hệ thống Madrid (nghị định thư Madrid hoặc theo thỏa ước Madrid) thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

2. Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế tại nước ngoài
Mỗi quốc gia đều có những quy định riêng liên quan đến thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho chủ đơn nước ngoài nhưng về cơ bản sẽ có những điểm chung như sau:
Bước 1: Hồ sơ đăng ký
Thành phần hồ sơ gồm:
- Mẫu nhãn hiệu cần đăng ký;
- Danh mục sản phẩm mang nhãn hiệu bằng tiếng Việt, tiếng Anh;
- Thông tin người nộp đơn đăng ký bằng tiếng Việt, tiếng Anh;
- Tài liệu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có);
- Giấy ủy quyền;
- Nhãn hiệu đã được sử dụng;
- Dự định sử dụng nhãn hiệu;
- Dự định sử dụng nhãn hiệu dựa trên việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài;
- Có dự định sử dụng nhãn hiệu dựa trên đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nước ngoài.
Bước 2: Thủ tục đăng ký
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia thường thực hiện theo các giai đoạn: Nộp đơn đăng ký -> Xem xét về mặt hình thức -> Công bố đơn -> Xem xét về mặt nội dung -> Ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ chối.
3. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid là hình thức nộp đơn đăng ký quốc tế được áp dụng đối với các nước là thành viên của hệ thống Madrid. Việc nộp đơn đăng ký được thực hiện tại Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và trong đơn đăng ký sẽ chỉ định tới các nước là thành viên của hệ thống Madrid. Quá trình đăng ký được thực hiện thông qua Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể như sau:
Bước 1: Hồ sơ đăng ký
Thành phần hồ sơ gồm:
- Tờ khai yêu cầu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế có nguồn gốc Việt Nam;
- 02 tờ khai MM2 bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp (theo mẫu của Văn phòng quốc tế);
- 02 mẫu nhãn hiệu đúng như nhãn hiệu trong đơn đăng ký đã được nộp tại Việt Nam hoặc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
- 02 tờ khai MM18 bằng tiếng Anh (nếu đơn có chỉ định tại Hoa Kỳ);
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp thông qua đại diện);
- Chứng từ nộp phí;
- Các tài liệu khác có liên quan (nếu cần thiết).
Bước 2: Nộp đơn đăng ký
Đơn đăng ký bảo hộ được nộp cho Văn phòng quốc tế của WIPO thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Khi đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thẩm định và chuyển cho Văn phòng quốc tế trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn hợp lệ.
Bước 3: Thẩm định đơn
Khi WIPO nhận được đơn đăng ký trong thời gian không quá 02 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ ở Cục Sở hữu trí tuệ thì ngày nộp đơn được tính là ngày nộp đơn tại Việt Nam. Nếu quá 02 tháng, ngày nhận đơn tại Văn phòng quốc tế được tính là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
WIPO sẽ thẩm định hình thức, nếu đơn hợp lệ thì sẽ được dịch sang các ngôn ngữ khác và công bố trên công báo sở hữu công nghiệp. Sau đó, gửi cho Cơ quan đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia thành viên được chỉ định bảo hộ. Đồng thời ấn định ngày bắt đầu tính thời hạn thẩm định để những quốc gia đó xem xét. Nếu quá thời hạn thẩm định mà WIPO không nhận được bất kỳ phản hồi nào thì nhãn hiệu được coi là có hiệu lực ở những quốc gia chỉ định đó.