Hồ sơ và thủ tục đăng ký quyền tác giả
Mục lục
Hiện nay, việc đăng ký bản quyền tác giả cũng như được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để hưởng quyền tác giả. Tuy nhiên, trên cơ sở được thừa nhận và bảo hộ những sản phẩm trí tuệ mang tính chất độc quyền thì các cá nhân, tổ chức nên tiến hành quy trình này. Vậy đăng ký bản quyền tác giả được thực hiện như thế nào?
1. Những đối tượng nào phù hợp để đăng ký bản quyền tác giả?
Đăng ký sở hữu trí tuệ có nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào từng loại đối tượng. Do đó, đối với bản quyền tác giả, những đối tượng phù hợp để đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ bao gồm:
- Sáng tác văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác.
- Nội dung bài giảng hoặc các bài nói khác.
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng.
- Tác phẩm nhiếp ảnh.
- Tác phẩm kiến trúc.
- Tác phẩm âm nhạc.
- Tác phẩm sân khấu.
- Tác phẩm điện ảnh.
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.
2. Hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả gồm những thành phần nào?
Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền tác giả, người yêu cầu cần phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm một số tài liệu liên quan. Cụ thể như sau:
- Tờ khai đăng ký bản quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo quy định pháp luật (Mẫu số 01 ban hành kèm Thông tư số 08/2016/QĐ – BVHTT).
- Bản sao tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả hoặc bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan.
- Giấy uỷ quyền trong trường hợp người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được uỷ quyền.
- Tài liệu minh chứng chủ sở hữu quyền tự do sáng tạo hoặc được giao nhiệm vụ sáng tạo, đồng sáng tạo hay được thừa kế, chuyển giao,…
- Văn bản thể hiện sự đồng ý của đồng tác giả đối với trường hợp tác phẩm có nhiều tác giả cùng sáng tác.
- Văn bản đồng ý của các chủ sở hữu nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Tuy nhiên, hiện nay đã có một số điểm mới cần lưu ý khi chuẩn bị tờ khai đăng ký bản quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan, đó là:
- Thời gian hoàn thành tác phẩm.
- Thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan trách nhiệm về các thông tin đã có trong tờ khai.
- Tờ khai phải do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cũng như chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp những đối tượng trên không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.
3. Thủ tục đăng ký quyền tác giả được thực hiện như thế nào?
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu có trong hồ sơ như đã nêu ở phần trên, các chủ thể sẽ thực hiện theo quy trình về đăng ký bản quyền tác giả như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan sẽ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả với các tài liệu, giấy tờ như đã khái quát ở trên. Sau đó sẽ nộp hồ sơ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng) để được xem xét và xử lý.
Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 2 Điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ – CP đối với tổ chức, cá nhân là người nước ngoài thì:
“Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 13 và Điều 17 của Luật sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng).”
Bước 2: Trả kết quả
Theo quy định tại Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2022, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn sẽ diễn ra trong 15 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đơn hợp lệ.
Tuy nhiên, trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cũng như quyền liên quan thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải thông báo bằng văn bản đến người nộp đơn.
4. Đăng ký bản quyền tác giả bằng hình thức trực tuyến được không?
Hiện nay, nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả cũng như các quyền liên quan khác được quy định với 03 hình thức như sau:
- Trực tiếp đến Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả.
- Qua hình thức dịch vụ bưu chính.
- Qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Đây là hình thức mới, được bổ sung nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cũng như rút ngắn nhiều thủ tục rườm rà.
Như vậy, với sự phát triển của xã hội hiện nay, bên cạnh 02 hình thức truyền thống đã được quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2022, các cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể nộp hồ sơ theo hình thức online. Việc thực hiện sẽ được tiến hành cụ thể trên trang web của Cổng dịch vụ công trực tuyến.