Hồ sơ, thủ tục nhượng quyền thương mại
Mục lục
Hiện nay, mô hình nhượng quyền thương mại được nhiều chủ thể áp dụng và ưu chuộng trên thị trường. Để được nhượng quyền thương mại thì cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Thủ tục nhượng quyền thương mại ra sao? Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ giải đáp những thắc mắc của Quý vị trong bài tư vấn dưới đây.
1. Lợi ích của nhượng quyền thương mại đối với bên nhượng quyền
Những lợi ích có thể kể đến đối với bên nhượng quyền thương hiệu như:
- Đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu: Mở rộng kinh doanh ở khắp nơi, góp phần đưa hình ảnh sản phẩm, dịch vụ tới gần hơn với Khách hàng, giúp họ có ấn tượng và dễ đi sâu vào tâm trí người tiêu dùng;
- Tận dụng tối đa nguồn vốn bên ngoài: Bên nhận nhượng quyền sẽ phải bỏ chi phí để mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này giúp cho bên nhượng quyền có thể mở rộng hoạt động kinh doanh bằng vốn của người khác và giảm chi phí cho chính mình khi thâm nhập thị trường;
- Mở rộng quy mô nhanh chóng: Giúp bên nhượng quyền mở rộng hoạt động kinh doanh khắp mọi nơi một cách nhanh chóng ở trong và ngoài nước mà không có một hình thức kinh doanh nào có thể làm được;
- Tối đa hoá thu nhập và tận dụng nguồn lực “địa phương”: Khi nhượng quyền, bên nhận quyền sẽ nhận được một khoản tiền từ việc nhượng quyền thương hiệu. Đồng thời, giúp thâm nhập và thăm dò hiệu quả đầu tư trên các thị trường mới một cách nhanh chóng với chi phí rủi ro thấp nhất.
2. Lợi ích của nhượng quyền thương mại đối với bên nhận nhượng quyền thương hiệu
Những lợi ích có thể kể đến đối với bên nhận nhượng quyền thương hiệu như:
- Sử dụng thương hiệu: Việc tạo dựng thương hiệu sẽ mất một thời gian khá dài cũng như cần bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc. Khi nhận quyền kinh doanh từ bên nhượng quyền thì bạn sẽ tận dụng được thương hiệu đó để kinh doanh;
- Hỗ trợ marketing: Được nhận sự hỗ trợ về các chiến lược quảng bá từ bên nhượng quyền;
- Tận dụng nguồn nhân lực: Bên nhượng quyền sẽ hỗ trợ xây dựng chiến lược quảng bá, các quy trình vận hành,… Do đó, bạn sẽ không mất thời gian để làm từ đầu mà chỉ cần tập trung vào việc điều hành các hoạt động kinh doanh;
- Sự trung thành của người tiêu dùng: Đã là thương hiệu thì sẽ có nhiều người biết đến và họ trung thành với thương hiệu mà mình yêu thích. Điều này giúp việc kinh doanh tốt hơn, mang lại lợi nhuận lớn hơn;
- Ít rủi ro: Các sản phẩm, dịch vụ đã được tung ra thị trường thành công và được nhiều người đón nhận. Do đó, bên nhận nhượng quyền sẽ ít gặp rủi ro nhất trong cả quá trình kinh doanh của mình.
3. Thủ tục nhượng quyền thương mại diễn ra như thế nào?
Đăng ký nhượng quyền thương mại được diễn ra theo các bước như sau:
Bước 1: Hồ sơ nhượng quyền
Thành phần hồ sơ nhượng quyền thương mại gồm những giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị nhượng quyền thương mại (theo mẫu MĐ-1);
- Bản giới thiệu chi tiết nhượng quyền thương mại;
- Bản sao công chứng, chứng thực GCN đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài. Giấy tờ này phải được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân thành lập xác nhận khi thực hiện nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt nam;
- Bản sao công chứng, chứng thực Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ;
- Giấy tờ chứng minh cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu khi thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.
Bước 2: Nộp hồ sơ và nhận kết quả
Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho Bộ Công thương. Trong 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, Bộ Công thương đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và thông báo bằng văn bản.
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công thương phải có văn bản hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung, hoàn chỉnh. Nếu từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.