Hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh
Mục lục
Khi có bất kỳ hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh thì đều sẽ gây ra những ảnh hưởng đến chủ sở hữu. Bởi vì trong hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp luôn cố gắng sở hữu những bí mật kinh doanh riêng nhằm tạo ra lợi nhuận và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Khi có hành vi xâm phạm, chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể sử dụng các biện pháp để ngăn chặn hành vi xâm phạm cũng như yêu cầu sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. Căn cứ để xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với bí mật kinh doanh là gì?
Căn cứ Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019, quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập dựa trên cơ sở có được một cách hợp pháp và thực hiện các biện pháp bảo mật bí mật kinh doanh đó. Tức là bí mật kinh doanh được tự động được bảo hộ, không cần phải đăng ký bảo hộ khi đáp ứng được hai điều kiện:
- Chủ sở hữu có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp;
- Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo mật thông tin của bí mật kinh doanh.
2. Có những hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh nào?
Hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh là những việc vi phạm quyền và lợi ích của chủ sở hữu bí mật kinh doanh, cụ thể là những hành vi sau đây:
- Hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật kinh doanh bằng cách phá bỏ các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
- Hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật kinh doanh mà không được sự cho phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh: Chủ yếu hướng đến chủ thể thứ ba, không trực tiếp chiếm đoạt bí mật nhưng tiếp nhận thông tin từ người trực tiếp chiếm đoạt bí mật, những người thứ ba khác;
- Hành vi vi phạm hợp đồng bảo mật bí mật kinh doanh hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin bí mật kinh doanh của chủ sở hữu: Hợp đồng bảo mật là hợp đồng mà theo đó một bên hợp đồng được phép tiếp cận thông tin bí mật nhưng có nghĩa vụ phải bảo mật. Bên có nghĩa vụ bảo mật thông tin nhưng lại làm lộ thông tin cho bên thứ ba thì bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh. Ngoài ra, bất kỳ hành vi nào lợi dụng quan hệ sẵn có để lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có trách nhiệm bảo mật nhằm lấy được thông tin bảo mật và sau đó tiết lộ thông tin đó cho người thứ ba thì cũng bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh;
- Hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật kinh doanh của người khác khi người này làm thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại những biện pháp bảo mật của các cơ quan nhà nước;
- Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật về dữ liệu thử nghiệm.
3. Xâm phạm bí mật kinh doanh bị xử lý như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP về hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh sẽ bị xử lý như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 200.000.000 đồng – 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Cố gắng tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong hoạt động kinh doanh bằng cách chống lại những biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
- Tiết lộ, sử dụng những thông tin bí mật trong hoạt động kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Thứ hai, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu những tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm;
- Tịch thu những khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh.
Lưu ý: Mức phạt này được áp dụng cho tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.