Góp vốn bằng quyền tác giả
Sở hữu trí tuệ là một mảng trong hệ thống pháp luật Việt nam đồng thời là một khái niệm pháp lý chỉ sự bảo hộ của pháp luật đối với các thành quả lao động trí tuệ của con người. Quyền sở hữu trí tuệ này sẽ bao gồm nhiều cơ chế quyền bảo hộ khác nhau.
Với môi quyền bảo hộ trong đó thì khi đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì sẽ được phát sinh đối với đối tượng sở hữu trí tuệ tương ứng trong những thời hạn bảo hộ nhất định. Một trong số các quyền sở hữu trí tuệ phổ biến hiện nay và có giá trị ảnh hưởng lớn đến chủ sở hữu chính là cơ chế quyền tác giả.
Đây được xem là một dạng tài sản có giá trị không chỉ tinh thần mà còn là vật chất đối với chính chủ sở hữu và các đối tượng có liên quan. Cũng chính vì mang tính giá trị cao nên quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng được xem xét là một trong những dạng tài sản được phép thực hiện góp vốn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014 thì tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Đồng thời căn cứ theo quy định khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 thì quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Dựa trên cơ sở trên thì quyền tác giả có thể là một tài sản được thực hiện góp vốn trong các loại hình kinh doanh. Để thực hiện góp vốn bằng quyền tác giả thì điều kiện cần thiết chính là phải là chủ sở hữu hợp pháp đối với cơ chế quyền đó.