Đăng ký bảo hộ bản quyền có khó không?
Mục lục
Xã hội ngày một công nhận tầm quan trọng của các loại quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bản quyền, quyền tác giả đã trở thành loại tài sản vô cùng quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Hoạt động bảo hộ bản quyền cũng nhận được sự quan tâm đúng mức hơn từ các chủ thể sở hữu quyền. Vậy để thủ tục đăng ký bảo hộ đối với bản quyền có khó hay không? Pháp luật hiện hành hướng dẫn như thế nào về hoạt động này? Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Đăng ký bản quyền không hề khó!
Trước hết, bạn cần biết rằng thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền không phải là thủ tục bắt buộc từ phía pháp luật. Bản quyền, hay chính xác hơn là quyền tác giả, là loại quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt được phát sinh ngay tại thời điểm tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức vật chất cụ thể. Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng nêu rõ căn cứ phát sinh quyền tác giả như sau:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Pháp luật không bắt buộc tuy nhiên rất khuyến khích các chủ sở hữu, tác giả tác phẩm thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền đối với tác phẩm của mình. Vì vậy, pháp luật tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để mọi chủ thể đều có thể tiếp cận và thực hiện thủ tục này nhanh chóng, hiệu quả.
Bảo hộ bản quyền thông qua hoạt động đăng ký bản quyền
Tuy phát sinh quyền trên cơ chế tự động, nhưng việc chứng minh chủ thể nào trực tiếp sáng tạo và sở hữu tác phẩm luôn gặp khó khăn trong quá trình xử lý tranh chấp về bản quyền. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên hoàn thiện thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền để pháp luật có thể ghi nhận lại quyền tác giả hợp pháp của bạn đối với tác phẩm của mình.
Những đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả
Hầu hết tất cả các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học khi được thể hiện dưới hình thức phù hợp đều trở thành đối tượng bảo hộ của quyền tác giả. Trừ các đối tượng quy định tại Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ:
“1. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin.
2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.”
Đăng ký bản quyền tác giả cần hồ sơ như thế nào?
Nếu tác phẩm của bạn không thuộc những đối tượng trên, bạn có thể bắt đầu chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình. Thành phần hồ sơ chỉ cần có:
- Đơn đăng ký bảo hộ quyền tác giả theo mẫu quy định của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch ban hành.
- Bản sao tác phẩm cần được bảo hộ quyền tác giả
- Các tài liệu đính kèm làm rõ hơn về hình thức cần được bảo hộ tác phẩm (nếu cần)
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn hợp pháp
- Các tài liệu liên quan khác của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm
- Cam kết sáng tác của tác giả
Áp dụng các biện pháp tự bảo hộ bản quyền
Một trong những đặc điểm nổi bật của hoạt động bảo hộ bản quyền tác phẩm, đó là pháp luật cho phép chủ sở hữu áp dụng các biện pháp tự bảo vệ tác phẩm của mình trước những hành vi có dấu hiệu xâm phạm. Cụ thể, bạn được sử dụng những quyền tự bảo vệ sau:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.