Đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Mục lục
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm (đồ vật, thiết bị, dụng cụ, phương tiện,..) được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ bảo vệ tối đa quyền lợi của chủ sở hữu, đồng thời hạn chế các hành vi xâm phạm.
1. Tại sao cần bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?
Kiểu dáng công nghiệp giúp làm tăng sức hút của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Thậm chí, nhiều sản phẩm bán chạy chỉ là nhờ kiểu dáng độc đáo. Do đó, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm là một chiến lược quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào. Những lợi ích mà việc bảo hộ mang lại bao gồm:
- Được độc quyền sử dụng kiểu dáng sản phẩm. Tránh tình trạng bị bắt chước, làm giống của các đối thủ. Giúp nâng cao được vị thế kinh doanh của đơn vị trên thị trường;
- Giúp gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm. Và định vị được hình ảnh của sản phẩm trong tâm trí của người tiêu dùng;
- Nhờ được độc quyền, chủ sở hữu có thể thực hiện nhượng quyền để thu lợi cho quá trình đầu tư cho kiểu dáng sản phẩm;
- Việc độc quyền kiểu dáng giúp gia tăng sự cạnh tranh lành mạnh. Khuyến khích công ty đầu tư cho hoạt động sáng tạo nhằm tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, giúp công ty có cơ hội phát triển, đa dạng mẫu mã hàng hóa, tiếp cận được nhiều nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
2. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cần đáp ứng tất các các điều kiện sau đây:
- Có tính mới: Phải có sự khác biệt đáng kể đối với những kiểu dáng đã được bộc lộ công khai bằng bất kỳ hình thức nào khác trước ngày nộp đơn đăng ký hoặc trước ngày ưu tiên;
- Có tính sáng tạo: Khi căn cứ vào những kiểu dáng đã được bộc lộ công khai dưới bất kỳ hình thức nào trước ngày nộp đơn đăng ký hoặc trước ngày ưu tiên thì kiểu dáng được yêu cầu bảo hộ phải được tạo ra một cách không dễ dàng đối với những người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp, tức là có thể chế tạo hàng loạt sản phẩm có cùng kiểu dáng khi sử dụng biện pháp công nghiệp hoặc thủ công.
3. Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ra sao?
Các bước đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được diễn ra như sau:
Bước 1: Hồ sơ đăng ký
Hồ sơ đăng ký bảo hộ bao gồm những giấy tờ như sau:
- Hai tờ khai đăng ký bảo hộ;
- Một bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, gồm các nội dung như: tên kiểu dáng, lĩnh vực sử dụng, liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ, phần mô tả chi tiết kiểu dáng, yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;
- Bốn bộ ảnh chụp kiểu dáng công nghiệp;
- Giấy ủy quyền đăng ký bảo hộ (nếu có);
- Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn đăng ký (nếu có);
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký bảo hộ kiểu dáng (nếu thụ hưởng từ chủ thể khác);
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký kiểu dáng có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên);
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ như trên thì nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra hình thức. Khi thấy đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì ra thông báo chấp nhận đơn đăng ký. Ngược lại, nếu không đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì sẽ ra thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị sửa đổi, bổ sung.
Bước 3: Công bố đơn đăng ký
Đơn đăng ký được chấp nhận là hợp lệ thì sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Nội dung công bố sẽ đề cập những thông tin liên quan đến đơn đăng ký.
Bước 4: Thẩm định nội dung
Đơn đăng ký kiểu dáng đã được công nhận là hợp lệ thì sẽ được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Bước 5: Nhận kết quả đăng ký
Sau khi thẩm định xong, nếu đơn đăng ký đáp ứng yêu cầu bảo hộ, chủ sở hữu sẽ nộp phí đăng ký để nhận được Văn bằng bảo hộ. Ngược lại, nếu không đáp ứng điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ.