Những lưu ý khi bảo hộ tác phẩm điện ảnh theo quy định pháp luật
Mục lục
Tác phẩm điện ảnh luôn là một trong những loại hình giải trí mang lại nhiều giá trị về mặt tinh thần lẫn giá trị thương mại trong đời sống hàng ngày. Việc bảo hộ tác phẩm điện ảnh cực kỳ quan trọng đối với các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Để có thể xây dựng rào chắn pháp lý hiệu quả nhất cho hoạt động bảo hộ bản quyền tác phẩm điện ảnh, bạn không được bỏ qua các lưu ý trong bài viết dưới đây.
Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh
Tác phẩm điện ảnh là tổng hợp của nhiều loại hình tác phẩm khác nhau, tạo dựng bằng phương pháp điện ảnh để sản xuất ra một tác phẩm hoàn thiện. Vì vậy, đối với tác phẩm điện ảnh sẽ có rất nhiều tác giả khác nhau đảm nhiệm ở những khâu sáng tạo, sản xuất khác nhau. Để có thể định hướng bảo hộ rạch ròi đối với quyền tác giả của đối tượng này, pháp luật có quy định hướng dẫn tại Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như sau:
“1. Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận.
Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận với những người quy định tại khoản 1 Điều này.”
Đăng ký bảo hộ tác phẩm điện ảnh như thế nào?
Tương tự như mọi đối tượng được bảo hộ quyền tác giả khác, khi muốn được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký hợp lệ với Cục Bản quyền Việt Nam. Trước khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền đối với loại hình tác phẩm này, bạn cần nghiên cứu kỹ để bảo hộ toàn diện hoặc bảo hộ theo từng hình thức thể hiện trong tác phẩm. Thành phần hồ sơ nhìn chung cho mọi loại hình thức tác phẩm được quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.”
Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền tác phẩm điện ảnh của Cục Bản quyền là 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, phía Cục cũng sẽ gửi thông báo bằng văn bản giải đáp lý do từ chối cho người nộp đơn.
Thời gian bảo hộ tác phẩm điện ảnh là bao lâu?
Những quyền nhân thân không thể chuyển giao của tác giả tác phẩm điện ảnh sẽ được bảo hộ vô thời hạn. Các quyền tài sản và quyền “Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm” của tác phẩm điện ảnh có thời hạn bảo hộ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình”.