Bí mật kinh doanh là gì?
Mục lục
Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, để đáp ứng nhu cầu và mong muốn ngày càng gia tăng của khách hàng hiện tại cũng như khách hàng tiềm năng thì doanh nghiệp luôn cần phải tạo ra các loại hàng hóa và dịch vụ mới hoặc cải tiến để gây ấn tượng, thu hút khách hàng. Việc bảo vệ bí mật kinh doanh sẽ tạo động lực phát triển hoạt động kinh doanh. Bài viết dưới đây sẽ tư vấn bí mật kinh doanh là gì? Lý do phải bảo hộ bí mật kinh doanh? Quyền của chủ sở hữu bí mật kinh doanh là gì?
Bí mật kinh doanh là gì?
Có không ít chủ thể còn đang thắc mắc, bí mật kinh doanh là gì? Bí mật kinh doanh được biết đến là thông tin thu được từ chính hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Căn cứ theo Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp và áp dụng các biện pháp hợp pháp để thực hiện bảo mật bí mật kinh doanh. Điều này có nghĩa, bí mật kinh doanh mặc nhiên được bảo hộ khi:
- Bí mật kinh doanh có được một cách hợp pháp;
- Thực hiện bảo mật đối với bí mật kinh doanh.
Lý do phải bảo hộ bí mật kinh doanh?
Đối với một công ty đang hoạt động hay một công ty mới, muốn tồn tại, phát triển và đứng vững trong môi trường này, cần phải có đủ năng lực tự tạo ra hay tiếp nhận các thông tin hữu ích để tạo ra và cung cấp các hàng hóa và dịch vụ mới hoặc cải tiến ra thị trường. Những thông tin hữu ích như vậy được xem là bí mật kinh doanh.
Các đối thủ cạnh tranh thường tìm ra cách thức để tiếp cận những bí mật kinh doanh này, chẳng hạn như mua chuộc hay chỉ là thuê lại các nhân viên chủ chốt công ty đối thủ – những người tạo ra hoặc được tiếp cận bí mật kinh doanh.
Khi phát hiện bí mật kinh doanh bị “đánh cắp” hoặc có chủ thể bộc lộ trái phép bí mật kinh doanh của mình thì chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại; hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có biện pháp xử lý như phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện hành vi phạm… hay các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, dù cơ quan nhà nước có thẩm quyền có áp dụng các biện pháp để xử lý các hành vi xâm phạm thì thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra chưa chắc có thể khắc phục đầy đủ. Do đó, công ty bạn cần phải có các biện pháp, chiến lược quản lý và bảo hộ bí mật kinh doanh.
Quyền của chủ sở hữu bí mật kinh doanh là gì?
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh có các quyền sau:
- Sử dụng bí mật kinh doanh: Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá…
- Ngăn cấm người khác sử dụng bí mật kinh doanh: Khi có hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, chủ sở hữu sẽ thực hiện quyền ngăn cấm người khác sử dụng bí mật kinh doanh;
- Định đoạt bí mật kinh doanh: Chuyển nhượng quyền sử dụng (chỉ chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển nhượng vẫn là chủ sở hữu bí mật kinh doanh) và chuyển nhượng quyền sở hữu bí mật kinh doanh (chuyển giao tất cả các quyền của mình đối với bí mật kinh doanh, bên nhận chuyển nhượng sẽ là chủ sở hữu của bí mật kinh doanh).