Bảo hộ tác phẩm phim là thủ tục như thế nào?
Mục lục
Phim ảnh luôn là tác phẩm giải trí mang tính nghệ thuật được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Hoạt động bảo hộ tác phẩm phim là hoạt động rất thiết thực để đảm bảo đầy đủ các quyền, lợi ích của những tác giả, chủ sở hữu phim khi công bố, công chiếu, sử dụng phim ra thị trường. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu kỹ hơn về các quy định bảo hộ bản quyền đối với tác phẩm phim ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Xác định quyền tác giả khi bảo hộ tác phẩm phim
Tác phẩm phim là loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, tổng hợp từ rất nhiều loại hình tác phẩm khác nhau để hoàn thiện nội dung của phim. Các loại hình tác phẩm bổ trợ cho tác phẩm phim như: tác phẩm âm nhạc, hình ảnh, kịch bản, bối cảnh, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng…. Ngoài ra, không giống như các loại hình tác phẩm khác thường chỉ có tác giả và cũng đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm; tác phẩm phim, tác phẩm điện ảnh sẽ có chủ sở hữu đầu tư và nhiều tác giả khác nhau hợp tác sáng tạo phim.
Để xác định chính xác về quyền tác giả khi bảo hộ tác phẩm phim, cần phân biệt được cụ thể đâu là tác giả, đâu là chủ sở hữu của tác phẩm điện ảnh. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“1. Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận.
Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận với những người quy định tại khoản 1 Điều này.”
Đăng ký bảo hộ tác phẩm phim bằng cách nào?
Tương tự như các đối tượng quyền tác giả khác, bạn có thể đăng ký bảo hộ tác phẩm phim với Cục Bản quyền bằng cách nộp hồ sơ hợp lệ. Thành phần hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm điện ảnh như tác phẩm phim yêu cầu các tài liệu sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả với tác phẩm phim
- Đĩa CD chứa nội dung bộ phim cần bảo hộ
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
- Cam kết của các tác giả
- Các giấy tờ chứng thực cá nhân, pháp nhân của chủ sở hữu, tác giả tác phẩm phim
Thời hạn bảo hộ tác phẩm phim là bao lâu?
Pháp luật quy định về thời hạn bảo hộ của tác phẩm phim tại Điều 27 Luậ Sở hữu trí tuệ hiện hành. Theo đó, đối với quyền nhân thân sẽ được bảo hộ vô thời hạn. Những quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm được bảo hộ trong thời gian 75 năm. Nếu trong thời hạn 25 năm chưa được công bố, kể từ khi phim được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi phim được định hình. Khác với quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả của tác phẩm chưa thực hiện được thủ tục gia hạn thời gian bảo hộ.