Cách làm đơn ly hôn đơn phương
Mục lục
Ly hôn đơn phương là quy trình khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết ly hôn từ một bên. Để Tòa án thụ lý vụ án thì bạn cần biết cách làm đơn ly hôn đơn phương để trình bày nguyên nhân yêu cầu ly hôn, tình hình mối quan hệ hôn nhân, tài sản chung, con cái và yêu cầu của bản thân khi ly hôn. Hiểu rõ điều đó, Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ tư vấn chi tiết cho các bạn biết cách làm đơn ly hôn đơn phương.
1. Hướng dẫn cách làm đơn ly hôn đơn phương?
Bạn cần nắm rõ cách làm đơn ly hôn đơn phương như sau:
- Cách nội trình trình bày về hình thức: Cần ghi đúng chuẩn và căn giữa Quốc hiệu, tiêu ngữ ở phần đầu (Quốc ngữ: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, tiêu ngữ: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”). Và cần thể hiện rõ ngày viết đơn ly hôn cũng như tiêu đề ly hôn là “Đơn yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình” hoặc “Đơn ly hôn đơn phương”;
- Diễn giải nội dung đơn ly hôn: Ghi thời gian kết hôn và chung sống, địa điểm chung sống tại đâu và hiện tại có đang chung sống cùng nhau hay không. Ghi rõ mục đích làm đơn ly hôn để đề nghị Toà án nhân dân giải quyết việc ly hôn;
- Thông tin con cái và yêu cầu của bản thân: Nếu đã có con chung thì ghi thông tin các con chung (tên, ngày tháng năm sinh…), nguyện vọng và đề nghị nuôi con. Nếu như hai vợ chồng vẫn chưa có con chung thì ghi chưa có;
- Thông tin tài sản chung và yêu cầu của bản thân: Nếu có tài sản thì ghi thông tin về tài sản chung (liệt kê toàn bộ), trị giá thực tế, đề nghị phân chia,…. Nếu như hai vợ chồng vẫn chưa có tài sản chung thì ghi không có;
- Thông tin nợ chung và yêu cầu của bản thân: Nếu có nợ chung thì ghi cụ thể số nợ, (tiền hay tài sản, chủ nợ là ai, thời gian trả nợ…) và đề nghị phân nghĩa vụ trả nợ trong đơn. Nếu như hai vợ chồng không có nợ chung thì ghi không có.
2. Giấy tờ yêu cầu ly hôn đơn phương gồm những gì?
Cần chuẩn bị những giấy tờ sau đây để nộp cho Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương:
- Đơn xin ly hôn đơn phương;
- Bản sao công chứng, chứng thực giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu;
- Bản sao công chứng, chứng thực Giấy đăng ký kết hôn;
- Bản sao công chứng, chứng thực Giấy khai sinh của con cái;
- Bản sao tài liệu chứng minh quyền sở hữu tài sản, như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất,…
3. Ly hôn đơn phương diễn ra như thế nào?
Quy trình ly hôn đơn phương được diễn ra như sau:
Bước 1: Soạn thảo giấy tờ ly hôn và nộp hồ sơ
Cần chuẩn bị bộ hồ sơ như trên để cung cấp cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền tiếp nhận đơn ly hôn và giải quyết xin ly hôn đơn phương của người Việt Nam với người nước ngoài hoặc việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Cần xác định nơi cư trú của đối phương, từ đó xác định thẩm quyền Tòa án có quyền giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương cho bạn.
Bước 2: Phân công thẩm phán giải quyết hồ sơ
Tòa án sẽ phân công thẩm phán để thẩm định hồ sơ trong vòng 03 ngày làm việc. Sau đó, trong vòng 05 ngày kể từ khi được phân công phải đưa ra một trong các quyết định sau (tham khảo khoản 2, 3 Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015):
- Sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thụ lý vụ án;
- Chuyển đơn ly hôn cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người nộp đơn;
- Trả lại đơn khởi kiện.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử
Nếu Tòa án nhân dân thụ lý vụ án thì trong vòng 04 tháng sẽ chuẩn bị xét xử. Khi đó, người nộp đơn sẽ nộp tiền tạm ứng án phí và gửi lại biên lai cho Tòa án và Tòa án sẽ ra một trong các quyết định:
- Công nhận sự thỏa thuận của các hai vợ chồng;
- Tạm đình chỉ việc giải quyết ly hôn;
- Đình chỉ giải quyết ly hôn;
- Đưa vụ án ra xét xử.
Bước 4: Mở phiên tòa
Trong 01 tháng, kể từ ngày đưa vụ án ly hôn ra xét xử, phải mở phiên tòa. Nếu như có lý do chính đáng thì 02 tháng.