Quy định luật sở hữu trí tuệ hợp nhất
Mục lục
Luật sở hữu trí tuệ hợp nhất là Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 và năm 2019 – Là văn bản tổng hợp các quy định liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu khái quát về chủ đề này.
Luật sở hữu trí tuệ hợp nhất hiểu như thế nào?
Nhắc đến Luật sở hữu trí tuệ hợp nhất – Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH, là đang đề cập đến Luật sở hữu trí tuệ và Văn bản sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ. Cụ thể được hợp nhất từ những văn bản sau:
- Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 được ban hành ngày 29/11/2005, có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2006;
- Luật số 36/2009/QH12 được ban hành ngày 19/06/2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010;
- Luật số 42/2019/QH14 được ban hành ngày 14/06/2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2019.
Luật sở hữu trí tuệ hợp nhất quy định những nội dung nào?
Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH quy định những nội dung sau:
Thứ nhất, quy định chung
Gồm những nội dung chính như sau:
- Phạm vi và đối tượng điều chỉnh;
- Căn cứ phát sinh quyền sở hữu trí tuệ;
- Chính sách của Nhà nước đối với quyền sở hữu trí tuệ;
- Quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;
- Nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực về sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, quyền tác giả và quyền liên quan
Gồm những nội dung chính như sau:
- Điều kiện bảo hộ độc quyền;
- Nội dung, những giới hạn quyền và thời hạn bảo hộ;
- Quy định về chủ sở hữu như cách xác định những chủ thể nào sẽ là chủ sở hữu…
- Quy định về chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan gồm chuyển nhượng quyền, chuyển quyền sử dụng;
- Quy định về chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan như hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận, cơ quan có thẩm quyền cấp, thời hạn cấp…
- Quy định về tổ chức đại diện, tư vấn, dịch vụ quyền như định nghĩa thuật ngữ, nội dung thực hiện…
Thứ ba, quyền sở hữu công nghiệp
Gồm những nội dung chính như sau:
- Điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;
- Quy định về xác lập quyền sở hữu công nghiệp, gồm quyền đăng ký bảo hộ, cách thức nộp đơn, các vấn đề về vấn đề văn bằng bảo hộ; giấy tờ cần có trong bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ, những yêu cầu đối với đơn đăng ký…
- Thủ tục xử lý hồ sơ đăng ký bảo hộ và cấp văn bằng bảo hộ; đơn quốc tế, đề nghị quốc tế và xử lý đơn quốc tế, đề nghị quốc tế;
- Quy định về chủ sở hữu, nội dung và giới hạn quyền sở hữu công nghiệp;
- Quy định chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
- Quy định đại diện sở hữu công nghiệp, bao gồm điều kiện thực hiện đại diện, nội dung dịch vụ, phạm vi thực hiện…
Thứ tư, quyền đối với giống cây trồng
Gồm những nội dung chính như sau:
- Quy định điều kiện bảo hộ;
- Quy định về xác lập quyền gồm các nội dung như giấy tờ cần cung cấp trong bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ, quy trình thực hiện, các vấn đề về văn bằng bảo hộ giống cây trồng…
- Quy định về nội dung và giới hạn quyền đối với giống cây trồng;
- Quy định về chuyển giao quyền đối với giống cây trồng như quyền của các bên trong hợp đồng chuyển giao quyền…
Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định biện pháp bảo hộ?
Khi phát hiện hành vi xâm phạm, chủ sở hữu quyền sở hữu trí có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
- Áp dụng phương pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm;
- Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm;
- Nộp đơn khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Bên cạnh biện pháp tự bảo vệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ thực hiện các biện pháp xử lý hành vi phạm dựa vào mức độ xâm phạm.