Bảo hộ kịch bản chương trình truyền hình
Hiện nay cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, việc ăn trộm kịch bản chương trình truyền hình càng trở nên dễ dàng, vì vậy pháp luật cho phép tác giả của tác phẩm đó được phép đăng ký bảo hộ kịch bản chương trình truyền hình để bảo vệ lợi ích của mình tránh bị người khác xâm phạm.
Kịch bản chương trình truyền hình được hiểu là văn bản viết cuối cùng, hướng dẫn phát sóng bản tin trên truyền hình, do người thực hiện bản tin làm ra để sắp xếp các bài tin, các file âm thanh, nhạc nền,… cho hợp lý, giúp cho kỹ thuật viên phát chương trình theo trình tự nhất định trong kịch bản.
Sự cần thiết phải bảo hộ kịch bản chương trình truyền hình
Một chương trình độc đáo, thu hút đông đảo người xem phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng kịch bản. Tuy nhiên không phải ai tạo ra kịch bản cũng phù hợp với chương trình được phát hoặc từ nhiều lý do khác nhau như cạnh tranh, mâu thuẫn nhau các nhân,…từ đó phát sinh các hành vi đánh tráo, thay đổi, sao chép, ăn trộm kịch bản do vậy việc bảo hộ kịch bản chương trình có ý nghĩa quan trọng nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến tác phẩm đó một cách trái pháp luật.
Khi bạn đăng kí để được bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản chương trình đó có nghĩa là sản phẩm đó thuộc sở hữu hợp pháp của bạn, được pháp luật bảo hộ, không bị người khác xâm phạm trái phép như sao chép, lạm dụng, ăn trộm hoặc khi xảy ra tranh chấp cũng có cơ sở để chứng minh đó là sản phẩm do mình làm ra và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ.
Quy định của pháp luật về bảo hộ kịch bản chương trình truyền hình
Theo quy định tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 thì các tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật sẽ được bảo hộ quyền tác giả dưới 12 hình thức, trong đó “kịch bản chương trình truyền hình” thuộc hình thức tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết khác.
Bảo hộ quyền tác giả với kịch bản chương trình truyền hình phải do tác giả được bảo hộ đó trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ những tác phẩm của người khác. Trong trường hợp kịch bản chương trình truyền hình phái sinh cũng có thể được bảo hộ quyền tác giả nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm dùng để làm tác phẩm phái sinh.