Đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích như thế nào?
Mục lục
Giải pháp hữu ích là một dạng giải pháp kỹ thuật mang trình độ sáng tạo thấp hơn so với sáng chế. Bạn có thể đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với đối tượng này trong quá trình áp dụng, khai thác. Tìm hiểu kỹ hơn về trình tự đăng ký quyền sở hữu đối với giải pháp hữu ích ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Các đặc điểm cần có để bảo hộ giải pháp hữu ích
Khi một giải pháp kỹ thuật chưa đạt đủ các điều kiện cần thiết để được cấp bằng độc quyền sáng chế sẽ được xem xét, bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, có tính mới
Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.”
Thứ hai, không phải là trình độ hiểu biết thông thường
Tuy chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ sáng tạo để được cấp văn bằng độc quyền sáng chế, nhưng bạn vẫn phải đảm bảo được giải pháp kỹ thuật của mình không phải là trình độ hiểu biết thông thường mà bất kỳ người nào cũng có thể suy nghĩ và sáng tạo được.
Thứ ba, có khả năng áp dụng công nghiệp
Khả năng áp dụng công nghiệp được miêu tả tại Điều 62 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như sau: “Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.”
Hồ sơ đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích
Để được bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích, bạn vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ giải pháp của mình với Cục Sở hữu trí tuệ. Thành phần hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho giải pháp kỹ thuật dưới dạng giải pháp hữu ích bao gồm:
- Tờ khai đăng ký sáng chế
- Bản mô tả giải pháp hữu ích. Bản mô tả này cần có các nội dung: Phần mô tả, Yêu cầu bảo hộ và Hình vẽ (nếu có).
- Bản tóm tắt giải pháp hữu ích: không được vượt quá 150 từ và phải được tách thành trang riêng.
- Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp)
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký
- Các tài liệu liên quan khác
- Chứng từ nộp phí và lệ phí
Nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Bạn có thể nộp đơn đăng ký giải pháp hữu ích bằng ba cách khác nhau:
Cách 1: Nộp hồ sơ giấy trực tiếp đến Cục Sở hữu trí tuệ
Bạn nộp hồ sơ giấy đến các địa điểm tiếp nhận đơn hợp lệ của Cục sở hữu trí tuệ tại những địa chỉ:
- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.
Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến
Bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích của mình thông qua Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ. Để sử dụng hệ thống đăng ký trực tuyến, bạn cần có tài khoản, chứng thư số và chữ ký số.