Hướng dẫn đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu
Mục lục
Dưới góc độ thị trường thì nhãn hiệu là một dạng công cụ hỗ trợ cho các hoạt động marketing hay truyền thông hiệu quả cho doanh nghiệp. Vì khách hàng hay đối tác hầu hết đều căn cứ vào nhãn hiệu để đánh giá và đưa ra sự lựa chọn. Đồng thời nhãn hiệu cũng chính là đối tượng dễ bị xâm hại và gây ra thiệt hại nặng nề nhất. Do đó, việc đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu là cần thiết với mục đích bảo vệ cho tài sản này khỏi bị xâm phạm.
Nhãn hiệu là gì?
Quyền sở hữu công nghiệp bảo hộ cho nhiều đối tượng trong đó có nhãn hiệu. Khoản 17 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Bên cạnh các mẫu nhãn hiệu thường thấy thì sẽ còn một số dạng nhãn hiệu đặc biệt khác cũng được quy định tại Luật này bao gồm:
– Nhãn hiệu tập thể: nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
– Nhãn hiệu chứng nhận: nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
– Nhãn hiệu liên kết: các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.
– Nhãn hiệu nổi tiếng: nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu
Thực tế cho thấy nhãn hiệu luôn là đối tượng bị nhắm đến nhằm tác động trực tiếp đến một tổ chức hay doanh nghiệp. Do đó mà chủ sở hữu luôn phải có những cách thức đề phòng sao cho giảm thiểu những tác hại có thể xảy ra. Đăng ký sở hữu trí tuệ là một tron những cách thức hiệu quả nhất. Đây là cách mà chủ sở hữu thực hiện để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với đối tượng này.
Thủ tục này được thực hiện khi chủ sở hữu nộp đơn đến để cơ quan có thẩm quyền xem xét và phê duyệt nhằm thừa nhận quyền hợp pháp. Hình thức đăng ký sẽ là ghi nhận lại nhãn hiệu và chủ sở hữu và Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và cấp giấy chứng nhận cho chủ sở hữu.
Giai đoạn 1: Thẩm định hình thức
Sau khi nhận được đơn đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu thì trong thời hạn 01 tháng, Cục sở hữu trí tuệ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của đơn và ra quyết định có chấp nhận đơn hay không.
Giai đoạn 2: Công bố đơn
Nếu đơn đáp ứng đủ các điều kiện về hình thức và được chấp nhận thì trong thời hạn tối đa là 2 tháng thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện công bố đơn đăng ký nhãn hiệu lên công báo sở hữu công nghiệp theo quy định.
Giai đoạn 3: Thẩm định nội dung
Cục sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định nội dung trong đơn trên cơ sở các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan. Thời hạn thực hiện giai đoạn thẩm định nội dung tối đa là 06 tháng kể từ ngày công bố đơn hợp lệ.
Giai đoạn 4: Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Nếu quá trình thẩm định nội dung thuận lợi hoàn tất, hồ sơ đáp ứng được tất cả các điều kiện theo quy định thì Cục sở hữu trí tuệ ra thông báo cho bên nộp đơn bằng một văn bản về quyết định cấp văn bằng. Trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo sẽ nêu rõ lý do để đơn vị tiến hành sửa đổi, bổ sung.