Khái niệm bản quyền phần mềm theo luật 2021
Mục lục
Sự xuất hiện của công nghệ thông tin và phần mềm máy tính thực sư đã thay đổi xã hội. Đã có rất nhiều thành tựu được tạo ra trên nền tảng này và mang khái niệm bản quyền phần mềm lên một tầm cao mới. Nguyên nhân chính là vì các vấn đề xoay quanh phần mềm đã tác động đến nhiều khía cạnh bao gồm cả luật pháp. Do đó mà pháp luật về bản quyền phần mềm được quy định bắt nguồn từ nhu cầu thực tế đó.
Khái niệm bản quyền phần mềm là gì?
Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam mà điển hình là Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 đã định nghĩa rõ về đối tượng này. Dựa theo khoản 1 Điều 22 Luật này thì phần mềm máy tính sẽ có tên gọi pháp lý là chương trình máy tính. Đó là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
Còn về khía cạnh bản quyền, đây là cách gọi khác của quyền tác giả đối với loại hình tác phẩm. Quyền tác giả được định nghĩa là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Như vậy có thể hiểu một cách khái quát về khái niệm bản quyền phần mềm chính là quyền tác giả đối với chương trình máy tính.
Trường hợp được sử dụng phần mềm máy tính
Đối với những phần mềm được bảo hộ thì các đối tượng không được phép sử dụng nếu không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các chủ thể khác được phép sử dụng nhưng phải thuộc các trường hợp theo quy định sau:
Không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao
Nếu thuộc các trường hợp sau thì các chủ thể được phép sử dụng phần mềm đã được bảo hộ bản quyền mà không cần phải xin phép cũng như không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào. Nhưng trường hợp đó bao gồm:
– Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
– Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
– Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
– Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
– Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
– Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
– Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
– Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.
Lưu ý, Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao
Người sử dụng các phần mềm máy tính đã công bố không cần sự cho phép của chủ sở hữu tuy nhiên phải trả các khoản nhuận bút, thù lao nếu thuộc các trường hợp sau:
– Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.
– Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.