Đăng ký quyền tác giả để làm gì?
Một tác phẩm có thể được sáng tạo ra bởi một cá nhân hoặc một tập thể. Đó là minh chứng cho thành quả lao động một cách nghiêm túc dựa trên nền tảng kiến thức. Và tất nhiên, tác phẩm đó luôn chứa đựng rất nhiều tâm sức của tác giả. Do đó, việc xâm phạm đến tác phẩm là một điều không thể chấp nhận được. Quy định về đăng ký quyền tác giả ra đời nhằm mục đích bảo vệ tác giả và tác phẩm để có được giá trị nguyên vẹn nhất.
————————————————————————————————————————————-
Có thể bạn quan tâm
- Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh
- Những điều cần biết về bảo hộ quyền tác giả
- Thủ tục đăng ký quyền tác giả
- Bản quyền và quyền tác giả có phải là một
- 5 yếu tố chứng minh sự quan trọng của đăng ký quyền tác giả
Đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả (Khoản 1 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ). Từ định nghĩa cho thấy khi một tác phẩm được đăng ký có nghĩa là tác phẩm đó đã được biết đến với tư cách của một tác giả cụ thể và được pháp luật bảo vệ. Việc đăng ký quyền tác giả được xem như là một tuyên bố về sự kiện tạo ra tác phẩm, tránh những trường hợp sao chép lợi dụng vì mục đích bất chính. Để sử dụng tác phẩm cần có sự đồng ý của chủ sở hữu.
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký (Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ). Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tác phẩm của tác giả trong đó có đề cập cụ thể đến thời điểm tác phẩm hoàn thành. Không đăng ký không đồng nghĩa với việc tác giả không được hưởng quyền đối với tác phẩm của mình. Tuy nhiên, trên thực tế nảy sinh rất nhiều tranh chấp do lợi nhuận từ việc xâm phạm đến quyền tác giả. Những tranh chấp phát sinh khi giải quyết cần phải có những minh chứng rõ ràng, trong đó Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là minh chứng rõ ràng nhất bởi lẽ theo quy định tại Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ thì cả nguyên đơn và bị đơn đều có quyền và nghĩa vụ chứng minh trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và một trong các chứng cứ chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đó là Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Như vậy, khi đăng ký quyền tác giả sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc về tính hợp pháp của tác phẩm đồng thời ghi nhận được ai mới chính là chủ sở hữu của tác phẩm. Từ đó có thể giải quyết tranh chấp và đòi lại những quyền lợi mà chủ sở hữu của nó đáng được nhận.
Nhận thức được tầm quan trọng của đăng ký quyền tác giả cho nên hiện nay việc này đã được thực hiện khá phổ biến và mang lại hiệu quả tốt trong xã hội. Do đó, để một tác phẩm có thể có trọn vẹn giá trị thì sau khi hoàn thành cần đăng ký bảo hộ nhằm xác định chủ sở hữu hợp pháp.