Vi phạm bản quyền là gì? Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền
Mục lục
Bản quyền hay chính xác hơn là quyền tác giả, là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc sở hữu. Quyền tác giả phát sinh từ khi tác phẩm được sáng tạo ra và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định; không phân biệt nội dung, đã đăng ký hay chưa đăng ký bảo hộ. Khi có hành vi xâm phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh. Vậy vi phạm bản quyền là gì? Những hành vi nào được xem là vi phạm quyền tác giả?
1. Vi phạm bản quyền là gì?
Vi phạm bản quyền là gì? Đây là việc sử dụng các tác phẩm được bảo hộ bản quyền một cách trái phép. Từ đó xâm phạm đến quyền tác giả được cấp cho chủ bản quyền như bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, làm tác phẩm phát sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm,…
Hành vi bị xem là vi phạm bản quyền khi có đầy đủ các căn cứ sau đây:
- Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền tác giả (được xác định bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả);
- Có yếu tố xâm phạm, như: tạo bản sao tác phẩm trái phép, giả mạo thông tin của tác giả trên tác phẩm,…
- Người thực hiện hành vi xâm phạm không phải là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả; cũng không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép;
- Hành vị bị xem xét xảy ra tại Việt Nam: Quy định này phù hợp với nguyên tắc lãnh thổ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong Tư pháp quốc tế.
2. Hành vi xâm phạm bản quyền
Theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định các hành vi xâm phạm bản quyền như sau:
“1. Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này.
2. Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.
3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật này.
4. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.
5. Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.
6. Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
7. Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
8. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật này.”
3. Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền
Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà chủ thể thực hiện hành vi sẽ bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Cụ thể như sau:
- Xử lý dân sự: Được áp dụng theo yêu cầu của tác giả, chủ sở hữu hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý hành chính hoặc hình sự;
- Xử lý hành chính: Được áp dụng khi tác giả, chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc chủ thể phát hiện ra hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan chức năng phát hiện ra yêu cầu;
- Xử lý hình sự: Được áp dụng trong trường hợp hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.