Sự cần thiết trong việc bảo vệ thương hiệu
Mục lục
Việc xây dựng thương hiệu không chỉ góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu mà con giúp tăng lượng Khách hàng, tăng mức độ uy tín. Từ đó thu hút nhiều bên liên quan như: nhà đầu tư, nhà cung cấp, đối tác kinh doanh,… Do đó, ở cấp quốc gia, thì việc bảo vệ thương hiệu luôn luôn được đặt ra và thực sự diễn ra hết sức phức tạp. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về việc bảo vệ thương hiệu.
1. Tầm quan trọng của thương hiệu
Thương hiệu được hiểu là nhãn hiệu hoặc một phần của nhãn hiệu được pháp luật bảo vệ. Nhãn hiệu nói lên xuất xứ của hàng hóa/dịch vụ, ngầm nói lên sự bảo đảm chất lượng hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp, nó cung cấp sự thỏa mãn tốt nhu cầu cho Khách hàng mà hàng hóa/dịch vụ khác không thể có được.
Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, việc bảo vệ thương hiệu là vấn đề lớn, phải quan tâm đặc biệt. Thương hiệu không chỉ là một cái tên, một thiết kế logo hay màu sắc đặc trưng; thương hiệu là tập hợp những cảm nhận của Khách hàng về hàng hóa/dịch vụ với đầy đủ các khía cạnh lý tính và cảm tính.

Do đó, xây dựng thương hiệu là một phần quan trọng của chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp hãy chú trọng việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thường xuyên trong từng hoạt động hàng ngày.
2. Bảo vệ thương hiệu
Hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ quan đăng ký và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm trong nước, ngoài nước. Riêng EU có một chỉ thị cho phép sử dụng thương hiệu của liên hiệp.
Tính chất pháp lý của việc bảo vệ thương hiệu đã được đăng ký hoặc đã sử dụng lệ thuộc vào quy định của luật pháp ở mỗi quốc gia. Hầu hết các nước đều quy định người chủ sở hữu thương hiệu là người đăng ký trước (EU). Có một số quốc gia đòi hỏi thương hiệu phải được đăng ký và sử dụng liên tục thì mới được bảo hộ như: Bolivia, Pháp, Đức. Tuy nhiên, một vài quốc gia vẫn bảo vệ những thương hiệu mặc dù chúng không được đăng ký để trở thành thương hiệu, tức là dựa trên cơ sở ưu tiên sử dụng, như: Ðài Loan, Canada, Philippines, Hoa Kỳ,… Một số nước khác thì chọn cách dung hòa trong việc đăng ký và việc sử dụng, như: ở Israel, cả người đăng ký trước và người sử dụng trước đều có quyền sử dụng chung thương hiệu.
Có những ngoại lệ cho việc bảo vệ đối với các thương hiệu đã quá nổi tiếng trên thế giới, dù không đăng ký hay sử dụng tại một quốc gia nào đó vẫn được bảo vệ.
Tại Việt Nam, thương hiệu có thể được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả hoặc nhãn hiệu. Đối với từng hình thức bảo hộ sẽ có cơ chế pháp lý riêng, theo đó:
- Khi đăng ký dưới hình thức quyền tác giả: Thương hiệu sẽ được tự động bảo hộ mà không cần phải làm thủ tục đăng ký khi thương hiệu được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Tuy không bắt buộc phải đăng ký nhưng nếu thực hiện sẽ giúp bạn bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
- Khi đăng ký dưới hình thức nhãn hiệu: Thương hiệu được bảo hộ khi thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và được cấp văn bằng bảo hộ.

3. Bài học về bảo vệ thương hiệu
Trước hết, khi thiết kế mẫu thương hiệu thì cần có sự sáng tạo, độc đáo, có tính biểu trưng cao để người tiêu dùng dễ dàng nhận ra. Đó là phần hữu hình, bên cạnh phần hữu hình đó là giá trị vô hình. Một chuyên gia từng khuyến cáo rằng “nhà nước có thể bảo hộ phần hữu hình, còn giá trị vô hình thì doanh nghiệp phải tự bảo vệ”. Bảo hộ thương hiệu doanh nghiệp có thể đến cơ quan về sở hữu trí tuệ, nhưng bảo hộ thiết kế hình ảnh, công trình thì phải tìm đến cơ quan về bản quyền tác giả. Về pháp lý thì cả hai việc đó doanh nghiệp phải làm.
Trước khi xảy ra các trường hợp bị vi phạm, làm nhái thương hiệu, công ty nên tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký bản quyền, nhãn hiệu. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của công ty mà còn là bảo vệ Khách hàng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ thương hiệu như: Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,… Nếu thấy cần thiết, có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự để xử lý hành vi xâm phạm.