Hướng dẫn thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm 2023 mới nhất
Mục lục
Đăng ký thương hiệu sản phẩm là một trong những bước quan trọng trước khi cho ra mắt sản phẩm ra thị trường. Việc đăng ký thương hiệu không chỉ là điều kiện cần và đủ của doanh nghiệp mà còn là nền tảng để phát triển doanh thu của doanh nghiệp. Nếu bạn đang thắc mắc về thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!
1. Lợi ích của việc đăng ký thương hiệu sản phẩm
Tiến hành thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm Cục Sở hữu trí tuệ sẽ được đảm bảo về mặt pháp lý những quyền lợi sau:
- Thứ nhất, không một cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào có thể đăng ký thương hiệu sản phẩm độc quyền tương tự như thương hiệu mà bạn đã nộp đơn đăng ký trước đó.
- Thứ hai, khi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu sản phẩm, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý sản phẩm vi phạm thương hiệu, xử lý hành vi sử dụng thương hiệu, trùng hoặc tương tự với các đối tượng khác.
- Thứ ba, chủ sở hữu thương hiệu sản phẩm sẽ có quyền phản đối các vụ kiện, khiếu nại của các cá nhân, tổ chức khác về việc họ cho rằng bạn hoặc doanh nghiệp của bạn đang sử dụng thương hiệu trùng hoặc tương tự với thương hiệu của công ty họ.
- Thứ tư, đối tác, khách hàng có thể yên tâm giao dịch kinh doanh với công ty sử dụng thương hiệu sản phẩm.
Việc đăng ký thương hiệu sản phẩm là việc làm cần thiết và quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
2. Thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm
Để hoàn thành việc đăng ký thương hiệu bạn cần thực hiện theo quy trình dưới đây:
2.1. Tra cứu thương hiệu sản phẩm
Việc tra cứu nhằm kiểu tra xem một nhãn hiệu có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của chủ thể khác hay không. Đồng thời, đánh giá khả năng nhãn hiệu đó có được cấp văn bằng bảo hộ hay không.
Có 02 phương thức tra thương hiệu sản phẩm:
- Tra cứu sơ bộ miễn phí tại website Thư viện số về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
- Tìm kiếm có trả tiền từ Cục Sở hữu trí tuệ.
Xem thêm: Mẹo đăng ký thương hiệu sản phẩm
2.2. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thương hiệu sản phẩm
Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- 02 Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (theo mẫu 04-NH Thông tư 01/2007/TTBKHCN);
- 05 mẫu nhãn hiệu đính kèm (tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong một mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm. Nếu yêu cầu bảo hộ màu sắc thì tất cả các mẫu nhãn hiệu trên tờ khai đính kèm phải được trình bày đúng màu sắc yêu cầu được bảo hộ);
- Chứng từ nộp phí, lệ phí;
- 01 Bản sao công chứng Giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc chứng minh nhân dân/hộ chiếu/thẻ căn cước công dân để lấy thông tin soạn thảo hồ sơ (mục đích lấy thông tin để soạn thảo giấy ủy quyền và hồ sơ đăng ký);
- 01 Giấy ủy quyền (trường hợp cá nhân, tổ chức ủy quyền cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nộp đơn);
- Các tài liệu khác (nếu có):
- Văn bản xác nhận việc sử dụng dấu hiệu đặc biệt (nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ có biểu tượng, cờ hiệu, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế…);
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký;
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký từ người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
2.3. Hình thức nộp đơn
Nộp trực tiếp: Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ. Cụ thể:
- Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, địa chỉ: Tầng 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.
Nộp hồ sơ trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số, chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và có tài khoản được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
- Đầu tiên, người nộp đơn cần khai báo và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống tiếp nhận đơn, khi hoàn thành, người nộp đơn sẽ nhận được Phiếu xác nhận đơn trực tuyến.
- Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận nộp đơn trực tuyến và các tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định. Sau đó, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ cấp số hồ sơ vào Tờ khai trên Hệ thống.
- Trường hợp người nộp hồ sơ không hoàn tất thủ tục hồ sơ, hồ sơ trực tuyến sẽ bị hủy và gửi Thông báo hủy hồ sơ cho người nộp hồ sơ trên Hệ thống tiếp nhận hồ sơ.
*Lưu ý: Thực tế đã áp dụng hình thức nộp hồ sơ trực tuyến nhưng phải trải qua khá nhiều quy trình (có chữ ký số hoặc chứng thư số). Hơn nữa khi nộp phí/lệ phí, doanh nghiệp chỉ có thể chuyển tiền qua Ngân hàng chứ không phải những hình thức khác. Vì vậy, nếu có nhu cầu đăng ký thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp nên thực hiện hình thức nộp đơn trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.
3. Thời hạn đăng ký thương hiệu sản phẩm là bao lâu
Kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký thương hiệu sản phẩm được xem xét theo trình tự sau:
- Đánh giá chính thức: 01 tháng;
- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
- Thẩm định nội dung: không quá 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Trường hợp đơn nhãn hiệu đủ điều kiện bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo cấp giấy chứng nhận đăng ký cho chủ sở hữu.
Lưu ý: Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu là trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn (ngày ưu tiên). Cá nhân, tổ chức có quyền gia hạn văn bằng bảo hộ và được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm đối với toàn bộ hoặc một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a khoản 19 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.