Tác giả là gì? Tác giả khác gì với chủ sở hữu quyền tác giả?
Mục lục
Trên thực tế hiện nay có rất nhiều vụ tranh chấp liên quan đến việc xác định tác giả của các tác phẩm. Vậy tác giả là gì? Ai được coi là chủ sở hữu quyền tác giả? Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả có phải là một không? Cùng chúng tôi làm rõ các thắc mắc trên trong nội dung bài viết dưới đây.
1. Tác giả là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP như sau: “1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.”
Tuy nhiên không phải ai cũng có thể trở thành tác giả của bất kỳ sản phẩm nào. Tức là một người được coi là tác giả của tác phẩm khi thỏa mãn các điều kiện sau:
1.1. Phải là người tiến hành trực tiếp thực hiện việc sáng tạo để tạo ra các tác phẩm.
Hoạt động sáng tạo của tác giả là công việc trí tuệ mà họ thực hiện để tạo ra những tác phẩm một cách độc đáo. Các tác phẩm phải là kết quả của hoạt động sáng tạo được biểu hiện dưới dạng hình thái vật chất hoặc thông qua hình thức cụ thể, mang tính độc lập tương đối và có tính mới về nội dung, ý tưởng hoặc cách thể hiện tác phẩm.
Tất cả các hoạt động khác bao gồm việc cung cấp kinh phí, vật chất, phương tiện, tư liệu và đóng góp ý kiến, không được coi là hoạt động sáng tạo. Vì vậy, theo quy định trong khoản 3 Điều 6 của Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tổ chức hoặc cá nhân không tham gia trực tiếp vào hoạt động này sẽ không được công nhận là tác giả.
1.2. Người tạo ra tác phẩm phải ghi tên thật hoặc bút danh của mình trên tác phẩm được công bố
Người tạo ra tác phẩm có quyền lựa chọn việc có đăng tên mình lên tác phẩm đã công bố hay không, tuỳ thuộc vào ý muốn cá nhân. Tuy nhiên, để được công nhận là tác giả của một tác phẩm cụ thể, người tạo ra tác phẩm phải cá nhân hóa nó bằng cách ghi tên thật hoặc bút danh của mình trên tác phẩm, nhằm xác định rõ ràng tác phẩm đó là do chính mình sáng tạo.
1.3. Chỉ được thừa nhận là tác giả nếu tác phẩm được tạo ra là kết của của lao động sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học
- Các tác phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học là kết quả của công việc sáng tạo trong lĩnh vực này, bao gồm văn xuôi, thơ, truyện ngắn, kí sự, tuyển tập, tuyển chọn và nhiều hình thức khác.
- Trong lĩnh vực nghệ thuật, kết quả của lao động sáng tạo được gọi chung là tác phẩm nghệ thuật, bao gồm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, nhạc và nhiều loại hình khác.
- Trong lĩnh vực khoa học, kết quả của lao động sáng tạo được gọi chung là tác phẩm hoặc công trình khoa học, bao gồm các công trình nghiên cứu được thể hiện thông qua các hình thức như bài viết, bài phát biểu, sách, đồ họa và nhiều hình thức khác.
2. Ai là chủ sở hữu quyền tác giả?
Theo Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 thì chủ sở hữu quyền tác giả được giải thích như sau: “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật này”.
Mặt khác, tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật này quy định rõ như sau:
“Điều 19. Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm:
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
Điều 20. Quyền tài sản
1. Quyền tài sản bao gồm:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
c) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
d) Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê”.
Như vậy, chủ sở hữu quyền tác giả có thể là cá nhân hoặc tổ chức và họ có các quyền như đã nêu trên. Căn cứ theo các quy định tại Luật này có thể xác định được những cá nhân, tổ chức được thừa nhận là chủ sở hữu quyền tác giả gồm:
- Tác giả;
- Các đồng tác giả;
- Cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả tạo ra tác phẩm;
- Cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng;
- Người được thừa kế quyền tác giả;
- Người được chuyển giao quyền;
- Nhà nước.
3. Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả khác nhau như thế nào?
3.1. Về tác giả
Tác giả là cá nhân, không phải là tổ chức. Tác giả là người trực tiếp tạo ra tạo ra tác phẩm, không phải là người hướng dẫn, đóng góp, kể lại. Tác giả có thể đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả có quyền nhân thân và một phần quyền tài sản.
3.2. Về chủ sở hữu quyền tác giả
Chủ sở hữu quyền tác giả có thể là cá nhân hoặc tổ chức.Chủ sở hữu quyền tác giả có thể đồng thời là tác giả hoặc không cần là tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả đồng thời là tác giả có quyền nhân thân và quyền quyền tài sản. Chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả có quyền tài sản, và một phần quyền nhân thân.