Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Mục lục
Hiện nay, cùng với sự phát triển tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng gia tăng, ngày càng tinh vi hơn và đáng báo động trên toàn thế giới. Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ tư vấn chi tiết hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cho Quý vị thông qua bài viết dưới đây. Mời các bạn tham khảo bài tư vấn dưới đây để hiểu rõ hơn về chủ đề này.
Quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là gì?
Quyền sở hữu trí tuệ chính là quyền của tổ chức, cá nhân đối với chính tài sản trí tuệ, bao gồm các quyền sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ và tinh thần. Ví dụ như tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật; giống cây trồng; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh;…
Khi nào được xem là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ?
Để xác định một hành vi có phải đang vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không thì cần căn cứ đủ trên 4 yếu tố sau đây:
Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ:
- Đối tượng bị xem xét được hiểu là đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm hay không. Đối tượng đang được bảo hộ được xác định bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng, quyền sở hữu công nghiệp;
- Đối tượng bị xem xét có yếu tố xâm phạm: Yếu tố xâm phạm ở đây được hiểu là yếu tố xuất hiện khi có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các yếu tố xâm phạm được quy định cụ thể tại Điều 7 – Điều 14 Nghị định 105/2006/NĐ-CP;
- Chủ thể thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ sở hữu của quyền sở hữu trí tuệ, cũng không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ;
- Hành vi bị xem xét phải được xảy ra tại Việt Nam: Nếu hành vi này không xảy ra tại Việt Nam thì pháp luật Việt Nam không thể điều chỉnh. Quy định này phù hợp với nguyên tắc lãnh thổ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong Tư pháp quốc tế. Hành vi bị xem xét bắt buộc phải xảy ra tại Việt Nam, nếu nó xảy ra tại nước khác thì không được coi là hành vi xâm phạm.
Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay?
Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định khá nhiều biện pháp để chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể tự bảo vệ khi bị xâm phạm quyền hoặc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng. Tuỳ vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà cơ quan chức năng sẽ xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Xử lý dân sự
Được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi vi phạm đó đã hoặc đang bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý chủ thể có hành vi xâm phạm bản quyền:
- Yêu cầu phải chấm dứt hành vi vi phạm;
- Phải xin lỗi công khai và cải chính công khai;
- Thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Bồi thường thiệt hại;
- Tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích hoạt động kinh doanh.
Trường hợp 2: Xử lý hành chính
Được áp dụng khi chủ thể quyền sở hữu, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc chủ thể phát hiện ra hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan chức năng phát hiện ra yêu cầu. Cụ thể là những hành vi vi phạm sau:
- Gây ra thiệt hại cho chính tác giả hoặc chủ sở hữu hoặc người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng giả mạo;
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán tem, nhãn hoặc sản phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Trường hợp 3: Xử lý hình sự
Được áp dụng trong trường hợp hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Hành vi vi phạm bị áp dụng chế tài hình sự khi hội tụ đủ những điều kiện sau:
Thứ nhất, về hành vi vi phạm
Cố ý thực hiện một trong những hành vi vi phạm sau đây:
- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm hoặc bản ghi hình;
- Phân phối bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình đến công chúng;
- Xâm phạm nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Thứ hai, về hậu quả
Đối với quyền tác giả, quyền liên quan:
- Xâm phạm quy mô thương mại;
- Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng – dưới 300.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng;
- Hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng.
Đối với quyền sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý:
- Xâm phạm quy mô thương mại;
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng – dưới 300.000.000 đồng;
- chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bị thiệt hại từ 200.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng;
- Hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng.
Thứ ba, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả
Hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả cho tác giả, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.