Tư vấn thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm
Mục lục
Trong thời buổi nền công nghiệp phần mềm ngày càng phát triển, Việt Nam được đánh giá là một trong số các quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển mạnh. Do đó, việc đăng ký bản quyền phần mềm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bài viết hôm nay, Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ hướng dẫn cho bạn thủ tục đăng ký diễn ra như thế nào? Mong rằng bài viết của chúng tôi sẽ hỗ trợ được cho các bạn trong quá trình đăng ký.
Đăng ký bảo hộ phần mềm được hiểu như thế nào?
Đăng ký bản quyền phần mềm được hiểu là việc các chủ thể thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với phần mềm máy tính để được Nhà nước thừa nhận phần mềm đó thuộc quyền sở hữu của bạn. Khi được cấp Giấy chứng nhận, về nguyên tắc không cần phải chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp. Chỉ cần chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có bằng chứng chứng minh bạn không có quyền tác giả đối với phần mềm. Và khi đó, các bạn cũng dễ dàng thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền cũng như yêu cầu nhà nước sử dụng các biện pháp thích hợp để xử lý những hành vi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn.
Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm máy tính mới nhất ra sao?
Khi muốn đăng ký bản quyền phần mềm thì bạn cần phải:
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ đầy đủ, hợp lệ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019 thì các bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả;
- Hai bản sao của phần mềm chương trình máy tính dự định đăng ký;
- Giấy tờ ủy quyền, nếu người nộp đơn đăng ký là người được ủy quyền;
- Giấy chứng minh quyền nộp đơn;
- Giấy tờ đồng ý đăng ký bảo hộ độc quyền của các đồng chủ sở hữu;
- Giấy tờ đồng ý đăng ký bảo hộ độc quyền của các đồng tác giả.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Chủ sở hữu nộp trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng (Khoản 1 Điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ-CP).
Thời hạn bảo hộ bản quyền phần mềm là bao lâu?
Theo Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019 thì thời hạn bảo hộ phần mềm máy tính như sau:
Thứ nhất, quyền nhân thân
Quyền nhân thân gắn liền với người sáng tạo ra phần mềm sẽ được bảo hộ vô thời hạn. Quyền nhân thân bao gồm quyền đặt tên cho các phần mềm mà họ sáng tạo ra, đứng tên trên phần mềm; được nêu tên khi phần mềm được công bố, sử dụng; không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc phần mềm.
Thứ hai, các quyền tài sản, quyền công bố phần mềm
Khi phần mềm máy tính, bộ sưu tập dữ liệu không hiển thị tên tác giả hoặc chưa có tên tác giả (cụ thể là tên khai sinh hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố thì thời hạn được bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên.
Khi các thông tin liên quan đến người tạo ra phần mềm xuất hiện thì thời hạn được bảo hộ sẽ là suốt cuộc đời của tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết. Nếu có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ sẽ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng mất.