Tóm gọn thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyền
Mục lục
Để bảo vệ được nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ của mình, tránh việc bị bên khác làm “nhái” hoặc làm “giả”, chủ sở hữu cần tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm, dịch vụ do mình sản xuất, thực hiện. Để giúp các bạn nắm rõ cách thức thực hiện, chúng tôi sẽ tóm gọn nội dung trong bài viết dưới đây.
1. Pháp luật có bắt buộc đăng ký nhãn hiệu không?
Nhãn hiệu (logo, thương hiệu) là dấu hiệu nhận biết giúp phân biệt, nhận biết được sản phẩm/dịch vụ đang cung cấp trên thị trường là sản phẩm/dịch vụ của bên nào trong cùng lĩnh vực.
Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu là quyền của chủ sở hữu và không phải là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, việc đăng ký lại rất sức quan trọng đối với việc kinh doanh. Bởi tại Việt Nam tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu là rất phổ biến, chỉ khi đăng ký và được độc quyền sử dụng, chúng ta mới có thể có đầy đủ quyền để xử lý các hành vi xâm phạm việc sử dụng nhãn hiệu trái phép. Ngoài ra, đăng ký nhãn hiệu độc quyền còn mang lại những lợi ích sau:
- Chủ sở hữu được độc quyền sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ đã đăng ký;
- Chủ sở hữu được quyền yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành xử lý các hành vi xâm phạm khi phát hiện có bên khác vi phạm hoặc được chính cơ quan chức năng thông báo về các hành vi xâm phạm của bên khác;
- Chủ sở hữu có tiền đề để phát triển nhãn hiệu lâu dài trên cơ sở đã được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền và không sợ trong quá trình kinh doanh bị bên khác đăng ký hoặc sử dụng mất;
- Khi nhãn hiệu của bạn trở lên nổi tiếng hoặc được sử dụng rộng rãi, chủ sở hữu có thể cho phép bên thứ 3 sử dụng và thu phí sử dụng,…
Với các lợi ích trên, mặc dù không phải là thủ tục bắt buộc nhưng chúng tôi kiến nghị Khách hàng nên tiến hành đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt để lấy ngày ưu tiên sớm nhất.
2. Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền
Thành phần hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bao gồm những loại giấy tờ sau:
- Tờ khai đề nghị đăng ký nhãn hiệu;
- Mẫu nhãn hiệu dự định đăng ký bảo hộ độc quyền;
- Giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền chủ thể khác thực hiện (nếu có);
- Văn bản chứng minh quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền;
- Giấy tờ chứng minh quyền ưu tiên;
- Bản sao chứng từ thanh toán chi phí đăng ký bảo hộ.
3. Thủ tục các bước đăng ký nhãn hiệu độc quyền
Để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cần thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Soạn thảo hồ sơ và nộp cho cơ quan chức năng
Chuẩn bị những giấy tờ như trên và nộp trực tiếp/đường bưu điện tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Văn phòng đại diện tại TP.HCM, Đà Nẵng.
Bước 2: Xét duyệt hồ sơ và nhận kết quả
Cán bộ xử lý hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành:
- Thẩm định hình thức: Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra việc tuân thủ về hình thức đối với đơn đăng ký (đảm bảo đơn đã được khai đúng, xác định đúng nhóm đăng ký bảo hộ, tư cách pháp lý của chủ đơn,…), từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không;
- Công bố đơn đăng ký: Trong vòng 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ phải thực hiện thủ tục công bố đơn đăng ký nhãn hiệu trên Công báo của Cục Sở hữu trí tuệ;
- Thẩm định nội dung: Mục đích của việc thẩm định nội dung nhằm đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi bảo hộ tương ứng;
Nhận kết quả đăng ký: Sau khi kiểm tra điều kiện bảo hộ, nếu đáp ứng yêu cầu thì chủ sở hữu sẽ được cấp bằng bảo hộ. Ngược lại, nếu đơn đăng ký bảo hộ không đáp ứng yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo từ chối và nêu rõ lý do.