Thuận lợi và khó khăn của nhượng quyền thương mại
Mục lục
Với tình hình phát triển kinh tế như hiện nay, các hoạt động nhượng quyền thương mại ngày càng cao bởi những lợi ích mà nó đem lại. Vậy nhượng quyền thương mại là gì? Những thuận lợi và khó khăn của nhượng quyền thương mại? Phân biệt hoạt động nhượng quyền thương mại với một số hoạt động khác? Cùng chúng tôi làm rõ các vấn đề trên trong nội dung bài viết dưới đây.
1. Nhượng quyền thương mại là gì?
Nhắc đến nhượng quyền thương mại thì có rất nhiều trường phái khác nhau để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh nhượng quyền đạt hiệu quả cao. Nhượng quyền thương mại dưới các góc nhìn như sau:
Theo Hiệp hội nhượng quyền thương mại quốc tế thì: “Nhượng quyền thương mại là mối quan hệ theo hợp đồng giữa bên giao và bên nhận. Theo đó, bên giao đề xuất hoặc phải duy trì sự quan tâm liên tục tới doanh nghiệp của bên nhận trên các khía cạnh như bí quyết kinh doanh, đào tạo nhân viên. Bên nhận quyền hoạt động dưới nhãn hiệu hàng hóa, phương thức, phương pháp kinh doanh do bên giao sở hữu hoặc kiểm soát và bên nhận quyền đang và sẽ tiến hành đầu tư đáng kể vốn vào doanh nghiệp bằng nguồn lực của mình”.
Theo cách định nghĩa của Cộng đồng chung châu Âu (EC) (nay là Liên minh châu Âu – EU) chỉ ra NQTM là một “Tập hợp những quyền sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ liên quan tới nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, biển hiệu cửa hàng, giải pháp hữu ích, kiểu dáng, bản quyền tác giả, bí quyết, hoặc sáng chế sẽ được khai thác để bán sản phẩm, hoặc cung cấp dịch vụ tới người sử dụng cuối cùng“.
Còn theo quy định tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005 như sau:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
Vì vậy, mặc dù những định nghĩa trên được biểu đạt theo các cách khác nhau, nhưng tất cả chứa đựng những yếu tố tương đồng, bao gồm:


- Một phía (phía chuyển nhượng) sở hữu hoặc kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ hoặc công nghệ cùng phương thức kinh doanh; Một phía độc lập (phía hưởng quyền) tiến hành hoạt động kinh doanh trong đó sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ hoặc công nghệ và phương thức kinh doanh của phía chuyển nhượng;
- Một hợp đồng cấp quyền được thiết lập giữa phía chuyển nhượng và phía hưởng quyền, ràng buộc cả hai bên trong việc cấp quyền và sử dụng các quyền đã được cấp;
- Phía hưởng quyền phải thanh toán phí để được hưởng quyền; Giao dịch giữa hai phía không chỉ xảy ra một lần mà mang tính thường xuyên và liên tục trong suốt thời hạn của hợp đồng chuyển nhượng quyền.
2. Những thuận lợi và khó khăn của nhượng quyền thương mại
Các lợi ích và thách thức của việc nhượng quyền thương mại cụ thể như sau:
2.1. Thuận lợi
- Mở rộng thị trường và tăng trưởng nhanh chóng: Nhượng quyền thương mại cho phép một doanh nghiệp mở rộng thị trường một cách nhanh chóng bằng cách tận dụng sự hiện diện và kinh nghiệm của người nhượng quyền tại các khu vực mới.
- Phân phối rộng rãi: Bằng cách chia sẻ mô hình kinh doanh và quy trình hoạt động, doanh nghiệp có thể tiếp cận mạng lưới phân phối rộng rãi mà người nhượng quyền đã xây dựng.
- Giảm rủi ro tài chính: Người nhượng quyền thường cung cấp hỗ trợ trong việc hình thành và vận hành doanh nghiệp tại các thị trường mới, giúp giảm thiểu rủi ro tài chính cho người nhận quyền.
- Chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức: Người nhượng quyền thường đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng và vận hành mô hình kinh doanh, do đó, người nhận quyền có cơ hội học hỏi và chia sẻ kiến thức này.
2.2. Khó khăn:
- Mất kiểm soát: Người nhượng quyền phải chia sẻ kiểm soát và quyết định với người nhận quyền, có thể dẫn đến mất khả năng kiểm soát toàn diện về hoạt động kinh doanh.
- Xung đột quan điểm: Người nhượng quyền và người nhận quyền có thể có quan điểm khác nhau về cách vận hành kinh doanh hoặc phát triển sản phẩm, dẫn đến xung đột và không thống nhất.
- Chi phí ban đầu cao: Người nhận quyền thường phải trả một khoản phí ban đầu lớn để được hưởng quyền, cùng với các khoản phí duy trì hàng năm.
- Liên kết danh tiếng: Nếu người nhượng quyền gặp vấn đề về danh tiếng hoặc chất lượng sản phẩm, điều này có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của người nhận quyền.
- Phụ thuộc vào người nhượng quyền: Người nhận quyền có thể phải phụ thuộc vào người nhượng quyền để hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn hoạt động, và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Tóm lại, nhượng quyền thương mại có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đồng thời đem lại nhiều thách thức và rủi ro. Quyết định nhượng quyền nên được đánh giá cẩn thận dựa trên tình hình cụ thể và mục tiêu của từng doanh nghiệp.
3. Phân biệt nhượng quyền thương mại với chuyển giao công nghệ
Về cơ bản nhượng quyền thương mại (NQTM) và chuyển giao công nghệ có những điểm khác nhau như sau:
3.1. Về phạm vi đối tượng của hoạt động
Trong hoạt động chuyển giao công nghệ, đối tượng của hợp đồng là các kiến thức tổng hợp của công nghệ hoặc máy móc, thiết bị, dịch vụ, đào tạo kèm theo. Điều này cho thấy quan hệ chuyển giao công nghệ chủ yếu tập trung vào công nghệ sản xuất ra sản phẩm, quy trình sản xuất ra sản phẩm.
Trong khi đó, NQTM như đã đề cập ở trên có phạm vi đối tượng không chỉ bao gồm quy trình sản xuất mà còn cả các quy trình sau sản xuất nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, quy trình quản lý – không chỉ giới hạn ở cơ cấu tổ chức, chính sách kinh doanh, kiểm toán, nhân sự, thậm chí cả tiêu chuẩn cho việc thiết kế, trang trí cửa hàng, nhà xưởng.
3.2. Về quyền và nghĩa vụ của các bên thì trong quan hệ NQTM sau khi đã chuyển nhượng các quyền thương mại
Bên nhượng quyền có quyền kiểm tra giám sát hoạt động của bên nhận quyền đồng thời có nghĩa vụ hướng dẫn, hỗ trợ cho bên nhận quyền nhằm hướng đến một hệ thống NQTM đồng nhất…
Trong quan hệ chuyển giao công nghệ, bên chuyển giao sau khi chuyển giao công nghệ không có nghĩa vụ phải hỗ trợ hay kiểm soát hoạt động của bên nhận chuyển giao. Hay nói cách khác, trong NQTM quan hệ giữa các bên gắn bó hơn trong quan hệ chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, trong hoạt động chuyển giao công nghệ bên được chuyển giao có thể phát triển, cải tiến các đối tượng của hợp đồng. Trong khi đó, trong quan hệ NQTM, bên nhận quyền chỉ được sử dụng các quyền thương mại còn việc cải tiến chúng hoàn toàn thuộc về bên nhượng quyền.
3.3. Về sản xuất kinh doanh
Bên nhận quyền phải thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa dưới nhãn hiệu, tên thương mại, phương thức kinh doanh của bên nhượng quyền, còn trong quan hệ chuyển giao công nghệ, thông thường bên nhận chuyển giao có quyền ứng dụng công nghệ đó để sản xuất ra sản phẩm dưới bất kỳ nhãn hiệu, kiểu dáng, tên thương mại nào mà họ muốn chứ không nhất thiết phải sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, kiểu dáng của bên chuyển giao.