Thủ tục công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Mục lục
Công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thủ tục bắt buộc mà các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức kinh doanh thực hiện để sản phẩm có thể lưu thông trên thị trường nước ta. Việc thực hiện thủ tục này đảm bảo chất lượng của các sản phẩm trên thị trường nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Vậy quy định của pháp luật về công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thế nào? Chúng tôi xin đưa ra những thông tin về vấn đề này để bạn tham khảo.
1. Cơ sở pháp lý
- Luật An toàn thực phẩm 2010;
- Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
- Các văn bản pháp luật có liên quan khác.
2. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là gì?
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau:
a) Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;
b) Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa;
c) Các nguồn tổng hợp của những thành phần đề cập tại điểm a và điểm b trên đây.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng chế biến như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.”
Như vậy, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung vào chế độ ăn uống nhằm duy trì sức khỏe, cải thiện các chứng năng của sức khỏe, bảo vệ cơ thể giảm nguy cơ mắc các bệnh và bao gồm các chất và hoạt chất được quy định ở trên.
3. Công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần đáp ứng những điều kiện gì?
Để công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần đáp ứng các điều kiện sau:
3.1. Điều kiện cơ sở
- Tổ chức thực hiện công bố phải đáp ứng các điều kiện về đăng ký kinh doanh, có ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm, phải có 1 một trong các giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.
3.2. Điều kiện của sản phẩm
- Sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu từ nước ngoài có giấy chứng nhận lưu hành tự do Giấy chứng nhận xuất khẩu hoặc Giấy chứng nhận y tế do cơ quan xuất khẩu cấp để đảm bảo sản phẩm được lưu hành tự do tại thị trường nước xuất khẩu.
- Sản phẩm phải được kiểm tra chất lượng để đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế.
4. Thủ tục công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe mới nhất 2023
4.1. Hồ sơ
Khách hàng cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ quy định tại Khoản 2 điều 7 Nghị định 15/2018/NĐ-CP bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
“a) Bản công bố sản phẩm được quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025;
c) Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân
d) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong trường hợp cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
đ) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) trong trường hợp sản phẩm sản xuất trong nước là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân).”
Có một lưu ý quan trọng là các giấy tờ nêu trên phải là bằng tiếng Việt. Nếu như là tiếng nước ngoài thì cần có bản dịch kèm theo. Do đó, khách hàng nên chuẩn bị kỹ và dịch trước tài liệu nước ngoài nếu có.
4.2. Trình tự thực hiện
Bước 1: Bạn cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ theo quy định như trên, và nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm qua hệ thống dịch vụ công hoặc qua đường bưu điện, hoặc đến nộp trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng trong thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi và 21 ngày làm việc đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cơ quan tiếp nhận quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.