Tại sao cần phải đăng ký bản quyền hình ảnh, cách thức đăng ký
Mục lục
Trong thời buổi xã hội ngày càng phát triển, những hình ảnh và nội dung sáng tạo được đăng tải trên mạng xã hội rất dễ bị sao chép hoặc sử dụng trái phép với mục đích xấu. Chính vì vậy, đăng ký bản quyền hình ảnh là việc vô cùng cấp thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của chính tác giả, chủ sở hữu hình ảnh.
1. Hình ảnh là đối tượng bảo hộ quyền tác giả
Trước khi đăng ký bản quyền hình ảnh, cần xác định xem liệu nó có thuộc một trong những loại đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật hay không. Hình ảnh có thể được thể hiện dưới dạng tác phẩm tạo hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng hoặc tác phẩm nhiếp ảnh. Các loại hình này đều được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi và bổ sung năm 2022. Tuy nhiên, hình ảnh cần tuân thủ các yêu cầu về hình thức thể hiện theo quy định sau:
– Tác phẩm tạo hình: Đây là loại tác phẩm được biểu hiện thông qua đường nét, màu sắc, hình khối và bố cục, ví dụ như: đồ họa, hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt…, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đồ họa có thể được thể hiện đến phiên bản thứ 50 và được đánh số thứ tự kèm chữ ký của tác giả;
– Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: Phải được biểu hiện qua đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục, có tính năng hữu ích và có thể liên kết với một đối tượng hữu ích, có thể sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, như: thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí;
– Tác phẩm nhiếp ảnh: Cần thể hiện dưới dạng hình ảnh thể hiện thế giới khách quan trên chất liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện tạo ra hình ảnh, hoặc được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc kỹ thuật khác.
2. Tại sao nên đăng ký bản quyền hình ảnh
Việc đăng ký quyền tác giả hình ảnh vô cùng quan trọng bởi vì khi đăng ký bản quyền hình ảnh, cá nhân, tổ chức sẽ có tư cách chủ sở hữu đối với hình ảnh đã đăng ký và được thực hiện một số quyền, như:
- Trực tiếp sử dụng hình ảnh đã đăng ký;
- Chuyển giao quyền của mình cho cá nhân, tổ chức khác để sinh lợi;
- Văn bằng bảo hộ sẽ là căn chứng minh quyền tác giả của mình và hành vi xâm phạm của chủ thể khác, từ đó yêu cầu cơ quan nhà nước có biện pháp xử lý,…;
- Thực hiện quyền nhân thân, như: đặt tên, tự mình công bố hoặc cho phép người khác công bố hình ảnh, phát hành tác phẩm với số lượng bản sao nhất định, bảo vệ tính toàn vẹn của tác phẩm…;
- Thực hiện các quyền tài sản, như: làm tác phẩm phái sinh, sao chép hình ảnh,…
3. Thủ tục đăng ký quyền tác giả hình ảnh diễn ra như thế nào?
Để đăng ký quyền tác giả cho hình ảnh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau để nộp cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện tại Hồ Chí Minh, Đà Nẵng):
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả;
- Hai bản sao hình ảnh dự định bảo hộ;
- Giấy tờ chứng minh tư cách chủ sở hữu: Nếu là cá nhân thì cung cấp CMND/CCCD/hộ chiếu. Nếu là tổ chức thì cung cấp GCN đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy tờ chứng minh quyền của người nộp đơn đăng ký bảo hộ, nếu người nộp hồ sơ là người sở hữu quyền nộp đơn do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
- Văn bản đồng ý của các chủ sở hữu, nếu hình ảnh đó thuộc sở hữu chung;
- Giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền.
Trong vòng 15 ngày làm việc, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ đăng ký quyền tác giả nếu nhận được đầy đủ giấy tờ đăng ký hợp lệ. Ngược lại, nếu hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì Cục Bản quyền tác giả sẽ ra văn bản thông báo từ chối và nêu rõ lý do từ chối cho người nộp đơn.