Quy trình đăng ký bản quyền sản phẩm
Mục lục
Thông thường, khi sản phẩm vừa mới được sản xuất, doanh nghiệp sẽ tiến hành đăng ký bản quyền ngay. Đây được coi là một thủ tục rất quan trọng nhằm xác lập quyền sở hữu đối với sản phẩm trí tuệ của chủ sở hữu bản quyền, tạo hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn những ý đồ xấu của đối thủ. Vậy quy trình đăng ký bản quyền sản phẩm được diễn ra như thế nào?
1. Tính cần thiết của việc đăng ký bản quyền cho sản phẩm
Bên cạnh đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền bài hát, bản quyền sách thì việc đăng ký bản quyền cho sản phẩm hiện nay được khá nhiều người áp dụng. Điều đó chính là cơ sở nhằm khẳng định tính cần thiết, vai trò khi tiến hành thủ tục này. Cụ thể sẽ bao gồm các lợi ích sau:
- Được độc quyền để sử dụng tên gọi, kiểu dáng của sản phẩm.
- Được pháp luật bảo vệ khi có hành vi xâm phạm hoặc đạo nhái bản quyền.
- Tạo ra sự khác biệt giữa sản phẩm này với sản phẩm khác. Qua đó giúp khách hàng nhận diện và lựa chọn, tránh trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu sản phẩm này thành các sản phẩm có mẫu mã tương đương.
- Khi bị xâm phạm bởi bên thứ 3, chủ sở hữu có quyền yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đặc biệt là áp dụng biện pháp hành chính. Điều này nhằm xử phạt những hành vi không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như gây thiệt hại kinh tế cho chủ sở hữu.
- Được phép chuyển nhượng, tặng cho,… bên thứ 3 dưới sự bảo hộ của pháp luật. Theo đó, chủ sở hữu hoàn toàn có thể nhượng quyền sản phẩm cho bất kỳ đối tác nào mà không bị pháp luật cấm.
- Có quyền cho bên khác sử dụng bản quyền sản phẩm, thu phí sử dụng hàng nằm.
- Tạo giá trị bền vững cho sản phẩm và gây dựng lòng tin đối với khách hàng.
2. Đăng ký bản quyền cho sản phẩm tại đâu?
Trên thực tế, việc đăng ký bản quyền cho sản phẩm sẽ tùy thuộc vào loại hình đăng ký. Cụ thể như sau:
- Cục sở hữu trí tuệ sẽ đăng ký cho các đối tượng sở hữu công nghiệp.
- Cục bản quyền tác giả sẽ tiến hành đăng ký quyền tác giả và các quyền liên quan.
- Cục trồng trọt và chăn nuôi đăng ký quyền liên quan đến giống cây trồng và vật nuôi.
Thông thường, một trong 03 đối tượng có thể tiến hành đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ sẽ bao gồm nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, phát minh. Vì thế, bản quyền sản phẩm thường được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.


3. Thủ tục đăng ký bản quyền sản phẩm
Thủ tục đăng ký bản quyền sản phẩm theo đúng quy trình của pháp luật gồm bước sau đây:
Bước 1: Lựa chọn hình thức đăng ký bảo hộ quyền sản phẩm
Về cơ bản, sẽ có 03 hình thức trong thủ tục đăng ký bản quyền sản phẩm. Khách hàng có thể tự do lựa chọn hình thức, phù hợp với nhu cầu của mình, cụ thể:
- Đăng ký tên tự đặt cho sản phẩm của mình. Đây còn được gọi là hình thức đăng ký nhãn hiệu, thể hiện tem mác, thông tin có trên sản phẩm.
- Đăng ký hình dáng của sản phẩm, thể hiện nét riêng biệt, độc quyền của doanh nghiệp về sản phẩm đó. Tên gọi của hình thức này theo pháp luật sẽ là đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
- Đăng ký sản phẩm và công thức chế biến do tác giả tự nghiên cứu. Hình thức này được xác định là đăng ký sáng chế.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền sản phẩm
Như đã nêu ở bước 1, có 03 hình thức đăng ký bảo hộ sản phẩm. Theo đó, việc chuẩn bị hồ sơ trong thủ tục đăng ký bản quyền sản phẩm sẽ có những điểm khác biệt như sau:
- Đối với đăng ký bản quyền theo hình thức đăng ký nhãn hiệu: Người có nhu cầu đăng ký sẽ phải chuẩn bị 02 bản Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, mẫu nhãn hiệu đăng ký, các tài liệu xác nhận quyền ưu tiên, giấy uỷ quyền, các chứng từ xác thực đã nộp phí đăng ký bản quyền. Ngoài ra sẽ còn một số giấy tờ khác liên quan đến đăng ký.
- Đối với đăng ký bản quyền sản phẩm theo hình thức kiểu dáng công nghiệp bao gồm: 02 bản Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp, Giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng uỷ quyền, Bộ ảnh chụp sản phẩm, Bản mô tả kiểu dáng sản phẩm và các chứng từ xác thực đã nộp phí đăng ký.
- Đối với đăng ký bản quyền sản phẩm theo hình thức đăng ký sáng chế bao gồm: 02 bản Tờ khai đăng ký sáng chế, Giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng uỷ quyền, Bản mô tả sáng chế kèm theo hình vẽ và các chứng từ xác thực đã nộp phí đăng ký.


Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký đến Cơ quan có thẩm quyền
Sau khi hoàn tất chuẩn bị hồ sơ, chủ sở hữu sẽ nộp hồ sơ đến Cục bản quyền tác giả hoặc Cục sở hữu trí tuệ. Việc nộp đến đâu sẽ tùy thuộc vào từng đối tượng đăng ký và hình thức đăng ký.
Bước 4: Xem xét, thẩm định hồ sơ
Hồ sơ đăng ký sẽ được Cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định về tính hợp lệ. Nếu thiếu sót, Cơ quan đăng ký sẽ yêu cầu người nộp sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết. Trong trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và đảm bảo tính hợp lệ, chủ sở hữu sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.