Quy định của pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa
Hiện nay, các hàng hóa luôn đi liền với một nhãn hiệu, nhãn hiệu đã trở thành thước đo giá trị của sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, việc tạo dựng, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa chính là đầu tư thông minh để có được những sản phẩm có uy tín trên thị trường.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác (Khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009).
Nhãn hiệu hàng hóa
Nhãn hiệu hàng hóa là dấu hiệu dùng để phân biệt các hàng hoá cùng loại của những cơ sở sản xuất kinh doanh khác. Các dấu hiệu đó có thể là một từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng, logo, hoặc sự kết hợp các yếu tố này được sử dụng trên hàng hóa để giúp người tiêu dùng có thể phân biệt được các sản phẩm khác nhau trên thị trường.
Quyền đăng ký nhãn hiệu được quy định tại Điều 87 Luật SHTT 2005 SĐBS 2009, cụ thể: Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất ra;…
Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải đăng ký bảo hộ hàng hóa. Tuy nhiên các tổ chức cá nhân nên chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình để tránh những vướng mắc có thể phát sinh sau này.
Điều kiện đối với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ
Theo quy định tại Điều 72 Luật SHTT 2005 SĐBS 2009 thì nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ nếu đáp ứng các điệu kiện sau đây:
– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
– Có khả năng phân biệt hàng hóa của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa của chủ thể khác.
Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa
Theo quy định tại Điều 100 và Điều 105 Luật SHTT 2005 SĐBS 2009 thì đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm những giấy tờ cơ bản sau:
– Tờ khai xin cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có gắn mẫu nhãn hiệu cần đăng ký;
– Giấy ủy quyền (Nếu doanh nghiệp nộp thông qua đơn vị đại diện Sở Hữu Công Nghiệp);
Sau khi hoàn thiện xong hồ sơ pháp lý, cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ và đóng phí theo số lượng nhóm ngành thực hiện.
Đăng ký nhãn hiệu nói chung và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nói riêng đang là vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bởi vậy, việc hiểu biết các quy định của pháp luật hiện hành về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là hết sức cần thiết.