Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa
Nhãn hiệu hàng hóa là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa của cá nhân, tổ chức khác nhau. Là một đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa sẽ được cấp văn bằng bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa là việc nên làm để chủ sở hữu có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm.
Quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa
Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa:
- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất
- Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đó không phản đối việc đăng ký.
- Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể
- Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa
- Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu hàng hóa để trở thành đồng chủ sở hữu.
- Tổ chức, cá nhân khác được chuyển giao quyền đăng ký dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.
Cũng giống như các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp, người trực tiếp sáng tạo ra nhãn hiệu hay chủ sở hữu đương nhiên sẽ có quyền đăng ký. Ngoài ra, pháp luật Sở hữu trí tuệ cũng đề cập những đối tượng khác có quyền đăng ký. Về cơ bản, những người có quyền đăng ký đều là người được sở hữu nhãn hiệu một cách hợp pháp hoặc được chủ sở hữu cho phép đăng ký mà không phản đối.
Văn bằng bảo hộ
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu của nhãn hiệu hàng hóa, đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ. Theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa
Đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa bao gồm các tài liệu cơ bản sau đây:
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Mẫu nhãn hiệu hàng hóa;
- Tài liệu chứng minh nhân thân của chủ sở hữu;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.