Phong bao lì xì tết nguyên đán
Mục lục
Phong tục tặng phong bao lì xì Tết đã trở nên phổ biến và là nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Tặng bao lì xì với ý nghĩa cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người. Theo đó cả người nhận và người tặng đều nhận những điều tốt đẹp trong năm mới. Lì xì không nằm ở số tiền mừng ít hay nhiều mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Đây cũng là dịp mà con cháu trong nhà chúc Tết đến người thân và nhận lì xì mừng tuổi.
1. Nguồn gốc ra đời phong bao lì xì Tết
Phong tục mừng tuổi đã xuất hiện từ xa xưa và bắt nguồn từ Trung Quốc. Tương truyền rằng, tại Đông Hải có rất nhiều yêu quái bị các thần tiên hạ giới giam giữ, tuy nhiên hàng năm các vị thần tiên sẽ phải về trời vào thời khắc giao thừa.
Lúc này lũ yêu quái sẽ lộng hành, xoa đầu trẻ nhỏ đang ngủ, khiến trẻ nhỏ giật mình và bật khóc. Sang ngày hôm sau, những đứa trẻ thường sẽ bị sốt, đau đầu, làm cha mẹ không dám ngủ để canh chừng. Vào một lần, tám vị tiên đi ngang thấy cảnh này liền hoá thành những đồng tiền nằm bên cạnh những đứa bé và bảo cha mẹ gói vào tấm vải đỏ để xua đuổi những yêu quái.
Khi quái vật đến, những đồng tiền này bỗng nhiên lóe sáng lên khiến cho chúng sợ hãi bỏ chạy. Hai vợ chồng vui mừng, đem kể lại cho mọi người. Từ đó, hễ Tết đến là mọi người sẽ bỏ tiền vào phong bì đỏ để tặng trẻ con, với mong muốn mau ăn, chóng lớn và khỏe mạnh. Từ đó, mừng tuổi đầu năm đã trở thành phong tục không thể thiếu mỗi dịp Tết về. Ngày nay tục lì xì Tết trở nên phổ biến ở những quốc gia châu Á như: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản,…
2. Bao lì xì Tết hình tiền thật, hình sổ đỏ, sổ hồng có bị phạt
Ngày Tết, việc tự in bao lì xì hoặc kinh doanh phong bao lì xì không phải hoạt động bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, nếu sử dụng một số hoạ tiết, hình ảnh bị cấm trên tờ lì xì thì đó sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể:
- In hình tiền lên bao lì xì: Khoản 3 Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg quy định “Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước”;
- In hình sổ đỏ, sổ hồng: Hình ảnh sổ đỏ, sổ hồng có hình Quốc kỳ, Quốc huy của nước ta. Đây lại là biểu tượng thiêng liêng, chỉ được sử dụng trong một số trường hợp nhất định mà không được in ấn bừa bãi. Tại Phần II Điều lệ 973-TTg năm 1956 quy định quốc huy được in trên các giấy tờ nào, như: Bằng huân chương, bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ Tướng Chính Phủ; hộ chiếu,… Do đó, không được phép in ấn hình ảnh Quốc huy của sổ đỏ, sổ hồng lên bao lì xì.
3. Dùng bao lì xì Tết hình tiền, sổ đỏ, sổ hồng bị phạt thế nào?
Tuỳ vào từng hình in lên bao lì xì bị cấm, người sử dụng sẽ bị xử lý như sau:
- Khi dùng lì xì hình tiền: Theo khoản 4, 5, 6 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, việc in lì xì và sử dụng lì xì hình tiền Việt Nam đồng có thể bị phạt từ 40 triệu – 50 triệu đối với cá nhân, 80 triệu – 100 triệu đối với tổ chức. Bên cạnh đó, bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý; buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;
- Khi dùng lì xì hình sổ đỏ, sổ hồng: Trường hợp mua, sử dụng bao lì xì có in hình Quốc huy, Quốc Kỳ với mục đích cố ý xúc phạm Quốc huy, Quốc Kỳ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy theo Điều 351 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.