Nhượng quyền thương mại là gì?
Mục lục
Hiện nay, hoạt động nhượng quyền thương mại đang dần trở nên thịnh hành và được khá nhiều doanh nghiệp ưa chuộng. Ưu điểm lớn nhất của hoạt động này chính là bên nhượng quyền không phải trực tiếp thực hiện việc kinh doanh và có thể mở rộng thêm nhiều quy mô khác. Vậy nhượng quyền thương mại là gì? Các quy định về quyền và nghĩa vụ các bên tham gia sẽ như thế nào?
1. Nhượng quyền thương mại là gì? Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia
Như đã giới thiệu, nhượng quyền thương mại đem lại khá nhiều lợi ích cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Trong phần này, chúng tôi sẽ giải thích khái niệm về nhượng quyền thương mại cũng như khái quát những quyền và nghĩa vụ các bên tham gia, cụ thể như sau:
1.1. Khái niệm về nhượng quyền thương mại
Thực chất, khi nhắc đến khái niệm về nhượng quyền thương mại, đã không còn quá xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, vấn đề này đã được quy định tại Luật Thương mại 2005. Căn cứ theo Điều 284, nhượng quyền thương mại là:
“Điều 284. Nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
1.2. Quyền của các bên khi tham gia nhượng quyền
Về quyền của các bên khi tham gia nhượng quyền, theo quy định tại Luật Thương mại 2005. Đối với thương nhân nhượng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác sẽ được:
- Nhận tiền nhượng quyền.
- Tổ chức quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại.
- Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Đồng thời, đối với bên nhận quyền thương mại, theo quy định tại Điều 288 Luật thương mại 2005, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền thương mại sẽ được:
- Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại.
- Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
1.3. Nghĩa vụ của các bên tham gia vào hoạt động nhượng quyền
Về nghĩa vụ của các bên tham gia vào hoạt động nhượng quyền, đối với thương nhân nhượng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác sẽ phải có trách nhiệm như sau:
- Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền.
- Đào tạo và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền.
- Thiết kế sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền.
- Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi nhận trong hợp đồng nhượng quyền.
- Đối xử bình đẳng giữa các thương nhân nhận quyền với nhau.
Đối với nghĩa vụ của thương nhân nhận quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nghĩa vụ của bên nhận quyền sẽ là:
- Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác cho bên nhượng quyền.
- Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn tài chính, nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh do bên nhượng quyền chuyển giao.
- Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát của bên nhượng quyền.
- Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền.
- Ngừng sử dụng nhãn hiệu, hàng hóa, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh của bên khác.
- Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại.
- Không được nhượng quyền lại nếu không được sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
2. Điều kiện để tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại là gì?
Theo quy định tại Điều 291 Luật Thương mại 2005, điều kiện để tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại sẽ là:
- Trước khi nhượng quyền thương mại, bên dự kiến nhượng quyền phải đăng ký với Bộ Thương mại.
- Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại và trình tự, thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại.
Đặc biệt, bên nhượng quyền thương mại phải đảm bảo đã đăng ký bản quyền thương hiệu. Điều này giúp giảm những rủi ro không đáng có cho người nhận quyền.
3. Nếu không muốn tiếp tục duy trì, có thể nhượng quyền lại cho bên khác không?
Trong quá trình hoạt động, nếu thương nhân nhận quyền cảm thấy không thể duy trì, phát triển được hoặc gặp nhiều vấn đề riêng tư khó khăn đến kinh doanh thì hoàn toàn có thể chuyển nhượng lại cho bên thứ ba. Tuy nhiên, cần phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 290 Luật Thương mại 2005, cụ thể như sau:
“Điều 290. Nhượng quyền lại cho bên thứ ba
1. Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
2. Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền quy định tại Điều 288 và Điều 289 của Luật này.”
Quy định này nhằm bảo vệ thương hiệu và quyền lợi của bên nhượng quyền. Bởi vậy, các bên tham gia hoạt động nhượng quyền cần tuân thủ theo đúng trình tự và quy định pháp lý.