Lý do mà bạn cần phải đăng ký bản quyền
Mục lục
Bản quyền hay còn gọi với tên gọi là quyền tác giả – Là một trong những quyền sở hữu trí tuệ được nhà nước Việt Nam thừa nhận và bảo hộ kể từ khi tác phẩm được tồn tại dưới một dạng vật chất nhất định như bản viết tay, bản code trên máy tính… Nếu việc đăng ký bản quyền đã không phải bắt buộc thì lý do gì phải đăng ký bản quyền? Đây là câu hỏi đang được nhiều chủ thể quan tâm. Bài viết dưới đây mong rằng sẽ giải đáp được những thắc mắc và cách thức để các bạn có thể thực hiện đăng ký bảo hộ.
Lý do phải đăng ký bản quyền tác phẩm là gì?
Đăng ký bản quyền là quá trình nộp giấy tờ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, chủ sở hữu và tác phẩm. Sau khi được cấp giấy chứng nhận thì về nguyên tắc tác giả/chủ sở hữu tác phẩm sẽ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp (tham khảo khoản 3 Điều 49 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 và năm 2019). Đồng thời, các quyền tài sản, quyền nhân thân cũng được thực hiện một cách dễ dàng như khi chủ sở hữu muốn chuyển nhượng quyền tác giả,… Ngược lại, nếu không đăng ký bản quyền thì bạn có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm đó khi có tranh chấp xảy ra. Việc chứng minh không phải là điều dễ dàng mà rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được.
Lợi ích của việc đăng ký bản quyền như thế nào?
Thủ tục đăng ký bản quyền với cơ quan nhà nước không phải là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, khi thực hiện các bước đăng ký thì sẽ đảm bảo tối ưu hóa quyền lợi của bản thân, cụ thể như sau:
- Giúp chứng minh được ai có quyền sở hữu đối với tác phẩm khi có tranh chấp xảy ra trong tương lai. Bởi thông qua việc đăng ký bản quyền, bạn sẽ được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký – Đây chính là tài liệu quan trọng nhất để chứng minh bạn là tác giả của tác phẩm (tham khảo khoản 3 Điều 49 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 và năm 2019);
- Được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm đăng ký;
- Tác giả/chủ sở hữu của tác phẩm được bảo hộ có thể tự mình hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xử lý đối với các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm như sao chép, lạm dụng tác phẩm khi không được sự đồng ý của bạn,…;
- Việc đăng ký bảo hộ bản quyền là sự chứng nhận cho những cố gắng sáng tạo không ngừng nghỉ của tác giả, là một phần thưởng xứng đáng và là sự động viên tinh thần làm việc đến người sáng tạo tác phẩm.
Các biện pháp được sử dụng để bảo vệ quyền khi đăng ký bản quyền là gì?
Theo khoản 1 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 và năm 2019 thì có thể áp dụng các biện pháp dưới đây để bảo vệ quyền lợi của bản thân khi đăng ký bản quyền:
- Áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa các hành vi xâm phạm;
- Yêu cầu những chủ thể có hành vi vi phạm phải chấm dứt ngay những hành vi xâm phạm của bản thân. Đồng thời xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xử lý những hành vi xâm phạm theo tính chất, mức độ xâm phạm;
- Nộp đơn khởi kiện ra Tòa án hoặc cơ quan Trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi có hành vi xâm phạm.