Lỗi vi phạm bản quyền hình ảnh sẽ bị xử phạt ra sao?
Mục lục
Vi phạm bản quyền hình ảnh là một vấn đề phức tạp mà nếu không hiểu rõ, sẽ rất dễ bị mắc phải. Do đó, để tránh mắc lỗi vi phạm bản quyền hình ảnh của người khác cũng như là không để người khác vi phạm bản quyền hình của mình, hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này ngay trong bài viết sau đây nhé.
1. Bản quyền hình ảnh được hiểu như thế nào?
Bản quyền hình ảnh là quyền bảo vệ được cấp cho những chủ sở hữu hoặc người tạo ra một hình ảnh. Khi hình ảnh đó đã được đăng ký bản quyền theo đúng quy định của pháp luật thì mọi cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh đó mà chưa được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu thì có thể bị khởi kiện.
2. Thế nào là vi phạm bản quyền hình ảnh?
Nếu một hình ảnh đã được đăng ký quyền tác giả thì trừ khi được tác giả, chủ sở hữu cho phép, mọi hành động sao chép, phân phối, trình bày công khai hình ảnh đó mà đều sẽ được quy vào lỗi vi phạm bản quyền hình ảnh.
Xem ngay: Cách đăng ký bản quyền hình ảnh nhanh nhất
Đối với những hình ảnh trên mạng có watermark, bạn hãy hiểu đó là những hình ảnh có bản quyền. Công nghệ hiện đại ngày nay có thể sẽ có khả năng xóa bỏ watermark. Tuy nhiên, hành động này sẽ được xem như cố ý vi phạm bản quyền hình ảnh. Và dù cho bạn có thay đổi tên, alt hay đổi kích thước thì nguồn gốc của chúng vẫn hoàn toàn có thể được truy ra. Vậy nên, để sử dụng hình ảnh có watermark một cách hợp pháp, hãy trả một số tiền theo tác giả, chủ sở hữu đưa ra.
3. Vi phạm bản quyền hình ảnh sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP, từng hành động vi phạm bản quyền hình ảnh theo từng cách khác nhau sẽ có mức xử phạt hành chính khác nhau. Chi tiết như sau:
3.1. Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm
Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm là hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Hành vi này vi phạm quyền tác giả về quyền nhận dạng và quyền đặt tên cho tác phẩm của mình.
Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính khi thực hiện hành vi này như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đồng thời, phải cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và phải sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có thông tin sai lệch về tên tác giả, tên tác phẩm.
3.2. Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm
Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là hành vi sử dụng tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả, làm thay đổi nội dung hoặc hình thức của tác phẩm, gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Hành vi này vi phạm quyền nhân thân của tác giả về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
Căn cứ tại Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định, tùy vào từng trường hợp sẽ bị phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Đồng thời phải cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật và dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm.
3.3. Hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm
Hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm là hành vi sử dụng tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, làm cho tác phẩm trở nên công khai với công chúng dưới bất kỳ hình thức nào. Hành vi này vi phạm quyền nhân thân của tác giả về quyền quyết định thời điểm và cách thức công bố tác phẩm của mình.
Căn cứ tại Điều 11 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính khi thực hiện hành vi này như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định. Đồng thời phải cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
3.4. Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm
Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm là hành vi sử dụng tác phẩm mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, làm cho tác phẩm trở nên công khai với công chúng dưới bất kỳ hình thức nào, như bán, cho thuê, trao đổi, tặng, truyền bá qua mạng internet hay các phương tiện kỹ thuật số khác. Hành vi này vi phạm quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả về quyền quyết định việc phân phối tác phẩm của mình.
Căn cứ tại Điều 15 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính khi thực hiện hành vi này như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Đồng thời phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm.
3.5. Hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng
Hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng là hành vi sử dụng tác phẩm mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, làm cho tác phẩm trở nên công khai với công chúng dưới bất kỳ hình thức nào, như bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
Căn cứ tại Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính khi thực hiện hành vi này như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định. Đồng thời phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.
3.6. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm là hành vi sử dụng tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, làm ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử.
Căn cứ tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính khi thực hiện hành vi này như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Đồng thời phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm.