Cách đăng ký bản quyền hình ảnh nhanh nhất
Mục lục
Để có thể nhanh chóng đăng ký bản quyền hình ảnh, bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm hình ảnh của mình tại Cục Bản quyền. Hình ảnh có thể được thể hiện dưới nhiều loại hình tác phẩm khác nhau, tuy nhiên mỗi hình ảnh đều có thể ứng dụng để mang lại các giá trị về nghệ thuật, thương mại… Vì vậy, các chủ sở hữu hình ảnh cần đặc biệt quan tâm hơn đến việc bảo vệ loại tài sản này của mình.
Chuẩn bị gì để đăng ký bản quyền hình ảnh?
Điều quan trọng nhất khi muốn đăng ký bản quyền hình ảnh, chính là xác định hình ảnh của mình thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả nào. Hình ảnh nói chung được biết đến như các loại hình tác phẩm: Mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm hội họa tạo hình, tác phẩm nhiếp ảnh… Tùy thuộc vào cách thức thể hiện của hình ảnh, bạn sẽ có định hướng bảo hộ tác phẩm của mình chính xác hơn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 13, Điều 14, các loại hình tác phẩm phù hợp với hình ảnh nhất được thể hiện như sau:
“2. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.”
“Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích.”
Đăng ký bản quyền hình ảnh mang lại lợi ích nào?
Việc đăng ký bảo hộ bản quyền hình ảnh giúp bạn có thể kiểm soát tốt nhất các hoạt động sử dụng hình ảnh của mình. Từ đó, loại trừ các nguy cơ bị sử dụng trái phép hình ảnh, cũng như có thể áp dụng các biện pháp tự bảo hộ khi phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền đối với tác phẩm hình ảnh mà mình đang sở hữu như:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
Thời hạn bảo hộ đối với bản quyền hình ảnh
Sau khi đăng ký bản quyền hình ảnh, thời hạn bảo hộ bản quyền so với các loại quyền khác thông thường kéo dài hơn rất nhiều. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, thời hạn bảo hộ của quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản của quyền tác giả đối với hình ảnh được quy định như sau:
“Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình”
Đối với các quyền nhân thân còn lại như: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả sẽ được bảo hộ vô thời hạn.