Khó khăn trong việc bảo hộ bản quyền trên internet?
Trong thời đại 4.0, các hoạt động kinh doanh nội dung số trên môi trường Internet là một trong những lĩnh vực tiềm năng đang được đẩy mạnh khai thác. Việc vi phạm bản quyền trong môi trường này hiện đang rất khó bị kiểm soát.
Chính vì lẽ đó, ngày càng có nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các mặt đời sống, hơn nữa còn tạo ra cái nhìn không tốt trong mắt các đối tác quốc tế về việc thực thi pháp luật bản quyền của Việt Nam. Vậy những khó khăn nào trong việc bảo hộ bản quyền trên Internet đã dẫn đến thực trạng đáng buồn trên.
Trước tiên, phải nói đến ý thức chấp hành pháp luật của người tiêu dùng ở nước ta chưa cao. Nhiều bộ phận dân chúng không biết và cũng không hề quan tâm đến pháp luật về Sở hữu trí tuệ. Bộ phận khác mặc dù có sự hiểu biết về những hành vi vi phạm nhưng vẫn thực hiện những hành vi đó vì lợi ích cá nhân. Đặc biệt, trong lĩnh vực Internet lợi nhuận khủng hơn thì các hành vi vi phạm lại càng xảy ra nhiều hơn với nhiều thủ đoạn phức tạp.
Điều đáng nói, đến chính các tác giả, dù tốn công sức tiền bạc để sáng tạo ra các phẩm nhưng họ cũng chưa thực sự quan tâm bảo vệ tác phẩm của mình. Nhiều tác giả không tiến hành đăng ký bảo hộ tác phẩm, dẫn đến khi xảy ra tranh chấp gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh. Có những tác giả thậm chí nhìn những tác phẩm của mình bị xâm phạm nhưng vẫn không biết hay bỏ ngỏ cho qua.
Cần phải có sự tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với mọi tầng lớp nhân dân để họ có thể hiểu và thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền lợi ích, công bằng đối với các tác giả, tác phẩm.
Internet là một lĩnh vực công nghệ cao. Chính vì vậy để giám sát, theo dõi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan cần phải đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ phần mềm, công cụ cần thiết để theo dõi sự vi phạm đang là sự thiếu sót lớn của nước ta. Điều này đặt ra rất nhiều thách thức trong việc bảo hộ bản quyền Internet.
Một trong những rào cản khác ảnh hưởng đến bảo hộ bản quyền trên Internet là quy định về mặt pháp lý. Internet ngày nay trở thành cuộc chơi quốc tế, không giới hạn khoảng cách không gian. Do vậy, yêu cầu đối với chính sách, quy định pháp luật ngày càng cao, cần phải đảm bảo xu hướng hội nhập chung của thế giới. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, đồng bộ, tồn tại sự chồng chéo trong quản lý quyền tác giả, sở hữu trí tuệ. Việt Nam đã tham gia một số công ước quốc tế về quyền tác giả, vì vậy, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về bản quyền cho phù hợp với sự phát triển và đáp ứng các quy định quốc tế để có thể từng bước nâng cao thực thi quyền tác giả.
Với phương tiện, công nghệ ngày càng hiện đại trong tầm tay, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là đối tượng xâm phạm bản quyền, vi phạm pháp luật. Vì vậy, ngoài các giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật, giải pháp công nghệ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì bản thân của mỗi tác giả cần phải có sự tìm hiểu về pháp luật Sở hữu trí tuệ, có sự bảo vệ cho công sức sáng tạo, lao động của mình bằng cách Đăng ký bảo hộ quyền tác giả,…. Chỉ có như vậy, trong thời đại công nghệ cạnh tranh này hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Internet ở nước ta mới có thể phát triển bền vững, hội nhập với sự phát triển chung của thế giới.