Hướng dẫn đăng ký bản quyền âm nhạc năm 2021
Mục lục
Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Trong những năm vừa qua, tôi có tìm hiểu thêm về lĩnh vực âm nhạc đặc biệt là sáng tác bài hát. Từ đó tôi cũng có một số sáng tác cho riêng mình và muốn thực hiện đăng ký bản quyền. Tuy nhiên nhiều người cho rằng thủ tục đăng ký bản quyền âm nhạc là không cần thiết. Vậy xin luật sư giải đáp mục đích của việc thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền này là như thế nào và phải tiến hành ra sao?
Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Phan Law Vietnam gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã có sự quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Quy định về đăng ký bản quyền âm nhạc
Tác phẩm âm nhạc nói chung và bài hát nói riêng là những tài sản trí tuệ mang giá trị rất lớn. Chính vì như vậy mà chủ sở hữu cần phải có những biện pháp để bảo vệ cho loại tài sản này. Một trong những cách thức hiệu quả nhất mà tác giả hay chủ sở hữu có thể tiến hành đó chính là đăng ký bản quyền âm nhạc.
Đăng ký bản quyền âm nhạc là gì?
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì tác phẩm âm nhạc là một trong những đối tượng được bảo hộ bằng quyền tác giả. Đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền này được phát sinh một cách tự động nếu đáp ứng được điều kiện về yếu tố sáng tạo và hình thức thể hiện.
Như vậy có thể kết luận rằng một bài hát khi ra đời sẽ được tự động bảo hộ bằng quyền tác giả. Chính vì vậy mà việc đăng ký bản quyền âm nhạc sẽ không bắt buộc phải thực hiện. Thủ tục này chỉ được thực hiện khi tác giả nhận thấy được tầm quan trọng và tự nguyện tiến hành.
Khoản 1 Điều 49 Luật này đã quy định rõ Đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mục đích của thủ tục này là để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả.
Mục đích của thủ tục đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc
Mặc dù không mang tính bắt buộc nhưng khi đã được ghi nhận thì tác phẩm âm nhạc cũng như tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đó cũng sẽ có được những quyền lợi nhất định khi thực hiện đăng ký bản quyền âm nhận. Cụ thể là:
– Miễn nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
– Có cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh
– Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền yêu cầu các chủ thể khác chấm dứt hành vi xâm phạm đối với tác phẩm của mình
– Có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm
– Thu lợi nhuận từ việc sử dụng tác phẩm
– Có cơ sở để tiến hành các thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả
Hướng dẫn đăng ký bản quyền âm nhạc
Để thực hiện được thủ tục đăng ký bản quyền âm nhạc cho tác phẩm của mình thì người thực hiện có thể tiến hành theo các bước cơ bản sau:
Quy trình đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc
Quy trình đăng ký bản quyền tác giả cho loại tác phẩm này sẽ bao gồm các bước cơ bản sau:
– Bước 1: Soạn thảo hồ sơ đăng ký bản quy theo đúng quy của pháp luật hiện hành
– Bước 2: Nộp hồ sơ đã soạn thảo đầy đủ đến cơ quan có thẩm quyền
– Bước 3: Theo dõi và liên tục cập nhật tình trạng hồ sơ đăng ký bản quyền để kịp thời sửa đổi nếu có thông báo
– Bước 4: Tiến hành nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền
Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền âm nhạc ở đâu?
Cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận và xử lý đơn là Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Người thực hiện sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan này tại một trong ba địa chỉ sau:
– Trụ sở Cục Bản quyền tác giả tại Hà Nội: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, TP.Hà Nội
– Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3; TP. HCM
– Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.