Đẩy mạnh công tác bảo vệ bản quyền truyền hình
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet kéo theo những tiêu cực, đặc biệt là tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình. Hoạt động xâm phạm diễn ra trên diện rộng với nhiều phương thức tinh vi gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động và doanh thu của các Đài truyền hình.
Thực trạng vi phạm bản quyền truyền hình
Hiện nay, vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet ở Việt Nam có 3 dạng điển hình là:
– Vi phạm trên các trang thông tin điện tử – Website), các ứng dụng – App, OTT không được phép (OTT lậu).
– Vi phạm trên các website, các ứng dụng của một số doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chủ yếu là dịch vụ OTT.
– Một số đài PT-TH sử dụng hình ảnh, tư liệu trong chương trình, kênh chương trình nhưng không xin phép chủ sở hữu.
Bảo vệ bản quyền truyền hình trên Internet ở nước ta hiện nay là cực kì cần thiết. Đây là yếu tố quan trọng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp nội dung truyền hình tính phí, thúc đẩy việc tăng doanh thu, tạo điều kiện cho ngành nội dung số phát triển.
Giải pháp bảo vệ
Để bảo vệ bản quyền truyền hình, chúng ta cần phải đạt được 2 mục tiêu cơ bản là:
– Bản quyền chủ sở hữu được tôn trọng;
– Sản phẩm được sử dụng hợp pháp.
Tại Hội nghị “Bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng internet tại Việt Nam- Quyết tâm và giải pháp” do Bộ TT-TT tổ chức tại Thanh Hóa đã đưa ra các giải pháp để hạn chế, tiến tới chấm dứt vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet tại Việt Nam:
– Cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trên Internet vi phạm bản quyền.
– Cần có mức phạt cao, có sức răn đe đối với đơn vị vi phạm bản quyền.
– Nhà cung cấp dịch vụ đường truyền cần có chế tài nghiêm khắc, từ chối cung cấp dịch vụ đối với những trang mạng vi phạm bản quyền truyền hình.
– Các doanh nghiệp quảng cáo nên chấm dứt việc quảng cáo sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội, thông tin điện tử cố tình vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet.